World Cup 2002 – giải đấu kỳ lạ của Brazil

Những bất ổn và vật vã ở vòng loại nhường chỗ cho sự thăng hoa của thầy trò Felipe Scolari khi Brazil lên ngôi ở Nhật Bản – Hàn Quốc năm 2002.

Ronaldo cùng tuyển Brazil nâng cao cup vàng trên sân Yokohama, Nhật Bản ngày 30/6/2002. Ảnh: AFP.

Khi nhìn vào danh sách thành viên đội tuyển Brazil vô địch World Cup 2002, nhiều người sẽ tự hỏi vì sao trước thềm giải đấu, những vũ công Samba không phải ứng cử viên hàng đầu. Họ có trong tay hai Quả Bóng Vàng – Ronaldo và Rivaldo – cùng hai ngôi sao đang lên  – Ronaldinho và Kaka. Hai hậu vệ cánh Roberto Carlos và Cafu cũng là những người hay bậc nhất lịch sử ở vị trí của mỗi người.

Nhưng thực tế, Brazil bước vào giải đấu với nhiều hoài nghi. Nhà cái Anh William Hill chỉ xếp họ thứ tư khi ra tỷ lệ cược, sau Argentina, Pháp và Italy. Vì lẽ đó, chức vô địch World Cup lần thứ năm của Brazil không đến dễ dàng như cách thế hệ sau nhìn lại.

Khởi đầu sóng gió

Sau khi về nhì tại World Cup 1998, “Sói già” Mario Zagallo rời ghế HLV  trưởng. Người kế nhiệm ông là Wanderley Luxemburgo – HLV gây dựng tiếng vang cùng những CLB trong nước như Palmeiras, Santos và Corinthians. Sau khởi đầu không tệ với chức vô địch Copa America 1999, Luxemburgo bắt đầu nếm trải sức ép, vì chiến dịch vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ diễn ra không như ý. Dưới sự dẫn dắt của ông, Brazil trải qua những thất bại muối mặt trước Paraguay rồi Chile, và chỉ xếp thứ tư sau tám vòng.

Luxemburgo phải rời ghế HLV tuyển Brazil sau nhiều kết quả bết bát và những ồn ào quanh việc gạt Romario. Ảnh: OGlobo.

Nhưng giọt nước làm tràn ly lại là việc U23 Brazil bị loại từ tứ kết Olympic 2000. Khi đó, tấm HC vàng bóng đá nam Olympic là danh hiệu còn thiếu duy nhất của bóng đá xứ Samba. Việc Luxemburgo phớt lờ lời thỉnh cầu được dự Olympic của huyền thoại Romario trên sóng truyền hình quốc gia trước giải vốn đã khiến dư luận Brazil thiếu thiện cảm với HLV này.

Do vậy, không nhiều người ngạc nhiên khi chủ tịch LĐBĐ Brazil (CBF) Ricardo Teixera tuyên bố sa thải Luxemburgo sau khi 11 cầu thủ U23 Brazil thua chín cầu thủ U23 Cameroon với tỷ số 1-2 sau 120 phút. Ông Teixera thẳng thừng gọi việc thất bại này là “không thể chấp nhận”. Sau khi để Giám đốc Kỹ thuật Candinho làm HLV tạm quyền trong trận gặp Venezuela ngày 8/10/2000, cựu thủ môn Emerson Leao trở thành tân HLV.

Nhưng Leao chỉ trụ được ba trận với bốn điểm. Tháng 6/2001, ông được thay thế bởi Luis Felipe Scolari – người từng từ chối thay thế Luxemburgo chín tháng trước đó vì lý do gia đình. Khi ấy, “Big Phil” là nhà cầm quân thành công bậc nhất Brazil với những chức vô địch giành được cùng Gremio và Palmeiras. Ông từng hai lần giành Copa Libertadores (tương đương Champions League của châu Âu) và nhận danh hiệu “HLV hay nhất Nam Mỹ” năm 1999.

Là thủ môn huyền thoại của Brazil, nhưng Leao cũng không chặn được đà sa sút của “Selecao” khi lên làm HLV trưởng, và nhanh chóng phải nhường chỗ cho Scolari. Ảnh: Lance

Giải đấu đầu tiên của Scolari trên cương vị HLV trưởng tuyển Brazil là Copa America 2001 diễn ra tháng 7/2001. Đây là một trong những giải đấu đáng quên nhất lịch sử Nam Mỹ. Giải từng bị huỷ vào ngày 1/7 vì lý do an ninh tại nước chủ nhà Colombia, nhưng năm ngày sau, LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL)  cho biết giải sẽ diễn ra bình thường. Tuy nhiên, Argentina từ chối tham dự giải với lý do nhiều cầu thủ bị doạ giết. Brazil thì cử đội hình với thành phần chủ yếu là những cầu thủ chơi bóng trong nước. Scolari không gọi các siêu sao đang thi đấu tại châu Âu như Ronaldo, Rivaldo hay Carlos.

Đây cũng là giải đấu đánh dấu mối quan hệ tồi tệ của Scolari với Romario – người hùng của Brazil trong chức vô địch World Cup 1994. Brazil bị Honduras loại từ tứ kết và khiến Scolari suýt chút nữa bị sa thải. Rốt cuộc, ông trụ lại được khi Brazil cũng vượt qua vòng loại World Cup 2002 với vị trí thứ ba. Họ chỉ giành 30 điểm qua 18 trận, thua tới 13 điểm so với đại kình địch Argentina.

Danh sách 23 tuyển thủ đi Nhật Bản – Hàn Quốc dự World Cup 2002 không có tên Romario, dù tiền đạo này đạt hiệu suất gần một bàn mỗi trận trong mùa giải 2001-2002 tại Brazil, và từng ghi 8 bàn tại vòng loại khu vực Nam Mỹ, chỉ thua một bàn với Vua phá lưới khu vực này – tiền đạo Argentina Hernan Crespo.

Scolari cũng hứng nhiều giông bão khi mới nhậm chức HLV tuyển Brazil vì từ chối gọi Romario. Ảnh: Lance.

Scolari lý giải: “Cậu ta đã có cơ hội. Tôi đã mời Romario tới Colombia dự Copa. Cậu ta bảo cần phẫu thuật, nhưng cuối cùng lại theo Vasco da Gama đến Mexico. Khi đó, tôi vẫn chưa quen với tập thể mới này và đội bóng cần một thủ lĩnh. Người ta bảo tôi không cho Romario một cơ hội. Nhưng tôi đã gọi cậu ta lên tuyển và thậm chí còn trao băng thủ quân. Tôi đã chìa bàn tay ra nhiều lần, nhưng nếu người kia cứ từ chối thì tại sao phải cố gắng nữa?”.

Quyết định không gọi Romario lên tuyển dự World Cup 2002 khiến dư luận Brazil phẫn nộ. Ngôi sao này thậm chí đã lên truyền hình khóc lóc xin lỗi và nhận được sự ủng hộ của cả chủ tịch CBF lẫn nhiều huyền thoại bóng đá Brazil. Tờ Jornal dos Sports thậm chí còn gọi Scolari là “kẻ thù số một của công chúng”, và cho rằng ông đã “tuyên chiến với cả đất nước bằng thái độ khinh bỉ ý kiến của người hâm mộ, tự cho bản thân hiểu về bóng đá hơn 160 triệu người dân Brazil”. Khoảng 50 người hâm mộ quá khích thậm chí xông vào trụ sở CBF để chửi rủa, xô đẩy “Big Phil” khi ông đang đi ra xe.

Nhưng Scolari vẫn kiên định. Không chỉ Romario, ông còn để những tài năng như Elber, Mario Jardel hay Ze Roberto ngồi ở nhà và đặt niềm tin vào những người mới bình phục chấn thương như Rivaldo, Ronaldo. Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời Scolari: “Tôi chọn những cầu thủ này bởi tôi nghĩ rằng họ phù hợp. Không ai có thể thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi rất tiếc cho những người bị loại, nhưng tôi chỉ có thể chọn 23 người. Thành bại đều do tôi, và tôi thà làm vật tế thần khi làm theo cách của mình, còn hơn làm theo ý người khác”.

“Đằng nào thì nếu thất bại, tôi cũng sẽ là đồ bỏ đi. Nhiệm vụ của tôi là giành chức vô địch. Văn hoá Brazil không có chỗ cho kẻ về nhì. Chính con trai tôi cũng từng bảo tôi: ‘Vị trí thứ hai chỉ là ngôi đầu của những kẻ về sau’. Brazil có một giải đấu tuyệt vời năm 1998, như dư vị vẫn là cay đắng, bởi chúng tôi đã thua trận chung kết trước Pháp”.

Brazil chỉ thoát hiểm ngoạn mục ở lượt trận cuối cùng vòng loại. Ảnh: AFP.

Với thành tích vòng loại dưới tầm và vô vàn tranh cãi ở quê nhà, Brazil bước vào chiến dịch chinh phục cúp Vàng thế giới lần thứ năm.

Một kỳ World Cup kỳ lạ

World Cup 2002 đánh dấu nhiều cột mốc đáng nhớ. Đây là kỳ World Cup đầu tiên của thế kỷ 21, lần đầu được tổ chức bên ngoài châu Âu và châu Mỹ và cũng là lần đầu được đồng tổ chức bởi hai quốc gia. Trước giải, Argentina và Pháp là hai đội được đánh giá cao nhất nhờ nhiều yếu tố.

Tại vòng loại khu vực Nam Mỹ, Argentina của HLV Marcelo Bielsa dẫn đầu với số điểm kỷ lục 43. Trong tay ông đều là các siêu sao ở mọi tuyến, như Gabriel Batistuta, Hernan Crespo, Javier Zanetti, Juan Veron hay Roberto Ayala… Trong khi đó, tuyển Pháp cũng là một thế lực đáng gờm với ba chức vô địch liên tiếp gồm World Cup 1998, Euro 2000 và Confederations Cup 2001.

Bộ khung ngôi sao của HLV Roger Lemerre vẫn còn nguyên đó, với vì tinh tú Zinedine Zidane vừa lập siêu phẩm giúp Real Madrid lên ngôi vô địch Champions League tháng 5/2002. Đội hình tuyển Pháp thậm chí còn sở hữu Thierry Henry, Djibril Cisse và David Trezeguet – ba tiền đạo lần lượt là Vua phá lưới của Ngoại hạng Anh, Ligue 1 và Serie A mùa giải 2001-2002.

Nhưng ngay trận mở màn, World Cup 2002 đã báo hiệu một giải đấu nhiều cú sốc. Trong lần đầu dự giải, Senegal bất ngờ hạ Pháp ở bảng A. Dù thiếu siêu sao Zidane do một chấn thương ngay trước thềm giải đấu, Pháp vẫn được xem là vượt trội so với đối thủ châu Phi, do vậy thất bại của nhà ĐKVĐ chẳng khác gì một cơn địa chấn.

Pháp thua Đan Mạch ở World Cup 2002

Pháp gây sốc khi thua Đan Mạch và bị loại ngay từ vòng bảng. 

Sau khi hoà Uruguay không bàn thắng ở lượt đấu thứ hai, Pháp buộc phải đưa Zidane vào sân với cái chân còn băng bó. Sự xuất hiện của Zizou không giúp Pháp tránh khỏi thất bại 0-2 trước Đan Mạch. Họ chính thức trở thành nhà ĐKVĐ có chiến dịch bảo vệ danh hiệu tệ nhất lịch sử World Cup – bị loại ngay từ vòng bảng và không ghi nổi một bàn thắng.

Không tệ như Pháp nhưng ở bảng F, Argentina cũng thất bại trong việc đi tiếp. Họ rơi vào bảng tử thần với các đối thủ Anh, Thuỵ Điển và Nigeria. Argentina mở màn bằng chiến thắng 1-0, nhưng chỉ kiếm được một điểm trong hai trận còn lại và ngậm ngùi nhìn Thuỵ Điển cùng Anh vào vòng trong. Sau giải đấu, chân sút hay nhất lịch sử tuyển Argentina lúc bấy giờ là Batistuta tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia.

Ứng cử viên vô địch còn lại là Italy của HLV Giovanni Trapattoni. Đội quân với những ngôi sao như Paolo Maldini, Gianluigi Buffon, Francesco Totti, Alessandro Del Piero hay Fabio Cannavaro… cũng sớm rời giải, nhưng theo một cách vô cùng cay đắng. Họ vượt qua vòng bảng và chạm trán chủ nhà Hàn Quốc tại vòng 1/8. Từ vòng bảng, Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi đánh bại Bồ Đào Nha của Luis Figo và Rui Costa để đi tiếp với ngôi đầu bảng.

Tuy nhiên, không nhiều người tin rằng nước đồng chủ nhà sẽ làm nên điều kỳ diệu trước ứng cử viên vô địch Italy. Đội quân Thiên thanh dẫn trước trong phần lớn thời gian trận đấu với bàn thắng của Christian Vieri, song bàn gỡ 1-1 ở phút 88 của Seol Ki-hyeon đưa trận đấu bước sang hiệp phụ. Phút thứ 118, tiền đạo Ahn Jung-hwan khiến cả sân Daejeon như muốn vỡ oà trong hạnh phúc với bàn thắng vàng vào lưới Buffon.

Italy dừng bước trước Hàn Quốc vì pha đánh đầu ghi bàn của Ahn Jung-hwan. Việc những ông lớn như Italy, Pháp, Argentina sớm ra về giúp hành trình lên ngôi của Brazil thuận lơị hơn. Ảnh: These Football Times.

Sẽ không có gì đáng nói về thất bại của Italy nếu họ không bị xử ép trong nhiều tình huống, từ thẻ đỏ oan uổng của Totti cho tới bàn thắng hợp lệ không được công nhận của Damiano Tommasi. Dư luận Italy phẫn nộ, gọi trọng tài người Ecuador Byron Moreno là “kẻ cắp”, còn Chủ tịch Luciano Gaucci của Perugia tuyên bố huỷ hợp đồng với Ahn Jung-hwan, người ông gọi là “kẻ đã huỷ hoại bóng đá Italy”.

Hàn Quốc vào tứ kết, nơi họ tiếp tục đánh bại một đội bóng mạnh khác là Tây Ban Nha với những quyết định gây tranh cãi. Hành trình khó tin của Hàn Quốc chỉ dừng lại ở bán kết, nơi bàn thắng duy nhất của Michael Ballack giúp Đức vào trận chung kết. Hàn Quốc tiếp tục thua 2-3 trước ngựa ô Thổ Nhĩ Kỳ trong trận tranh giải Ba.

Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử có một đội bóng ngoài châu Âu và châu Mỹ lọt vào bán kết World Cup. HLV Guus Hiddink được suy tôn như một người hùng tại Hàn Quốc. 

Vì các ứng viên hàng đầu cho chức vô địch đều bị loại sớm, đường tới chức vô địch của Brazil thoáng hơn nhiều. Nhưng không thể nói họ không xứng đáng với chức vô địch. Đội tuyển xứ Samba toàn thắng cả bảy trận, với sự tiến bộ rõ rệt. Họ hai lần đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ – đội bóng gây bất ngờ với vị trí thứ ba chung cuộc, vượt qua dàn sao của Anh tại tứ kết trước khi thắng thuyết phục Đức tại chung kết.

Scolari mất đội trưởng Emerson ngay trước thềm World Cup 2002. 

Cân bằng công thủ

Không lâu trước ngày bóng lăn, đội trưởng Emerson của Brazil bất ngờ gặp chấn thương khi đang… thử làm thủ môn trên sân tập. Tiền vệ trụ của AS Roma là chốt chặn đáng tin cậy hàng đầu ở tuyến giữa Brazil lúc bấy giờ và dự kiến sẽ đá cặp cùng Juninho Paulista ở trung tuyến. Tuy nhiên, chấn thương của anh đã xáo trộn mọi toan tính của Scolari. Ông buộc phải triệu tập Ricardinho của Corinthians thay thế, và giao băng thủ quân cho Cafu.

Không còn Emerson, “Big Phil” đành thử phương án mới với bộ đôi Gilberto Silva – Juninho Paulista vốn có thiên hướng tấn công như  “vua đá phạt” Juninho Pernambucano. Anh góp mặt trong đội hình chính cùng Silva trong bốn trận đầu tiên của Brazil, trước khi bất ngờ mất chỗ cho Kleberson trong trận tứ kết gặp tuyển Anh.

Kleberson là một cầu thủ cơ động và an toàn hơn. Cùng với Silva, Kleberson hợp thành cặp tiền vệ trung tâm vững như bàn thạch. Bộ đôi này đá chính từ tứ kết và giúp Brazil thẳng tiến tới chức vô địch. Dù tam tấu Rivaldo-Ronaldo-Ronaldinho (còn được gọi là 3R) thu hút hết sự chú ý của giới truyền thông, những đóng góp thầm lặng của những cầu thủ như Kleberson và Silva là vô cùng quý giá.

Trang Zonal Marking nhận xét: “Truyền thông Anh hay lầm tưởng rằng Brazil mạnh nhất khi có trong đội hình nhiều cầu thủ sáng tạo. Trái lại, họ luôn chơi hay nhất với sơ đồ phòng ngự cứng nhắc và tạo điều kiện cho hai hoặc ba nghệ sĩ ở trên được phép đá ngẫu hứng mà không phải lo những sai lầm của mình sẽ khiến tuyến dưới chịu hậu quả”.

Sự hiện diện của Kleberson (số 15) và Gilberto Silva (số 8) giup Scolari tìm ra đội hình ưng ý nhất cho Brazil từ vòng tứ kết. 

Điều này hoàn toàn chính xác, nếu nhìn cách Brazil năm 1982 trở thành “Đội vĩ đại nhất chưa từng vô địch World Cup”. Họ sở hữu bộ tứ huyền ảo Socrates, Zico, Falcao và Eder song cay đắng bị loại bởi tuyển Italy do lối chơi quá phóng khoáng. Tại World Cup 1994, những Romario hay Bebeto có thể toả sáng, đưa Brazil lên ngôi vô địch nhờ đội trưởng Carlos Dunga  càn quét tuyến giữa, và “hòn đá tảng” dưới hàng thủ Mauro Silva 

Brazil năm 2002 chính là một tập thể đạt được sự cân bằng hoàn hảo, với sơ đồ 3-4-1-2. Bộ ba trung vệ Lucio-Elmilson-Roque Junior án ngữ trước khung thành Marcos, tạo điều kiện cho hai hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công Carlos và Cafu thường xuyên dâng cao, hỗ trợ tuyến trên. Ở giữa, Silva và Kleberson giữ vai trò đánh chặn, cầm nhịp và cung cấp bóng cho tuyến trên. Ronaldinho là người chơi thấp nhất trong bộ 3R, tiếp đó lần lượt là Rivaldo và Ronaldo.

Sự toả sáng của 3R

Nhờ hậu phương vững chắc và chốt chặn Marcos chơi giải đấu hay nhất sự nghiệp, bộ 3R có thể toả sáng theo cách ít ai ngờ trước giải. Khi đó, Ronaldinho vẫn chưa phải siêu sao không thể ngăn cản trong màu áo Barca, mà vẫn là một cầu thủ của PSG. Rivaldo vừa trải qua một mùa giải thất vọng cùng Barca với những chấn thương. Trong khi đó, Ronaldo thậm chí còn bỏ lỡ toàn bộ mùa giải 2000-2001 và chỉ đá 10 trận mùa giải 2001-2002 do chấn thương đầu gối.

Ronaldo thậm chí không đá bất kỳ trận vòng loại World Cup 2002 nào và có tâm lý không tốt, vì Inter để tuột scudetto ngay vòng đấu cuối vào tháng 5/2002. Nhưng trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc, bộ 3R lại cùng nhau tạo nên những vũ điệu samba đắm say. Cùng nhau, họ ghi tổng cộng 15 bàn. Từng người đều có những khoảnh khắc đáng nhớ của riêng mình.

Ronaldinho đá phạt kiểu lá vàng rơi vào lưới tuyển Anh

Pha đá phạt của Ronaldinho giúp Brazil vượt qua Anh ở tứ kết.

Với Ronaldinho là cú đá phạt “lá vàng rơi” bất ngờ từ cự ly 40 mét, mang lại chiến thắng cho Brazil trước Anh tại tứ kết. Về phần Rivaldo, tiếng tăm của anh vấy bẩn ít nhiều sau pha ăn vạ thô thiển trong trận mở màn gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nâng tỷ số lên 2-1 ở phút 88, Rivaldo câu giờ trong một tình huống đá phạt góc. Ngứa mắt vì hành động này, cầu thủ Hakan Unsal của Thổ Nhĩ Kỳ sút bóng thẳng vào đùi Rivaldo. Trước sự ngạc nhiên của khán giả truyền hình, Rivaldo ngã ra đau đớn ở cột cờ và đưa tay… ôm mặt. Pha ăn vạ thô thiển được hàng triệu khán giả toàn cầu chứng kiến, song vẫn khiến Unsal nhận thẻ đỏ.

Hành động dưới tầm một ngôi sao hàng đầu ấy khiến Rivaldo nhận nhiều chỉ trích, dù anh cùng Ronaldo đều đặn ghi bàn trong cả ba chiến thắng vòng bảng của Brazil trước Thổ Nhĩ Kỳ (2-1), Trung Quốc (4-0) và Costa Rica (5-2). Siêu phẩm đỡ ngực, xoay người dứt điểm mở tỷ số trước Bỉ (2-0) tại vòng 1/8 và bàn cân bằng tỷ số 1-1 trước Anh (2-1) phần nào gỡ gạc hình ảnh cho Rivaldo.

Nhưng sự ích kỷ của Rivaldo suýt chút nữa đã khiến anh một lần nữa trở thành tội đồ trong mắt người dân Brazil, sau vết gợn Olympic 1996 – nơi anh bị xem là tác nhân khiến đội nhà thua Nigeria ở bán kết. Trước trận bán kết với Thổ Nhĩ Kỳ, Rivaldo ghi năm bàn, bằng với Ronaldo. Nhưng “số 10” là cầu thủ duy nhất ghi bàn trong tất cả các trận World Cup 2002 tính tới lúc đó, và dường như anh ngầm cạnh tranh cho chức Vua phá lưới với Ronaldo.

Rivaldo chịu nhiều chỉ trích, nhưng vẫn là miếng ghép quan trọng bậc nhất của Brazil năm 2002. 

Brazil vào chung kết nhờ bàn thắng duy nhất phút 49 của Ronaldo và sự xuất sắc trong khung gỗ của Marcos. Nhưng đáng lẽ họ đã không phải sống trong thấp thỏm nếu Rivaldo chơi đồng đội hơn. Trong nhiều tình huống sẽ dễ có bàn thắng hơn nếu chịu chuyền, Rivaldo lại chỉ chăm chăm dứt điểm. Lối đá cá nhân của Rivaldo khiến nhiều fan của Selecao ức chế và e ngại sẽ tiếp diễn trong trận chung kết tại Yokohama.

Ban huấn luyện Brazil dường như đã làm công tác tư tưởng với Rivaldo, khi anh lập đại công giúp Brazil chiến thắng trong trận chung kết. Tuyển Đức thiếu đi Ballack do thẻ phạt đã kiên cường trụ vững tới phút 67, trước khi thủ thành hay nhất giải Oliver Kahn mắc sai lầm đầu tiên kể từ đầu World Cup 2002. Từ một cú sút xa không quá hiểm hóc của Rivaldo, Kahn không thể bắt gọn bóng và bị Ronaldo trừng phạt từ một cú đá bồi.

Sau này, Ronaldo hồi tưởng trong cuộc phỏng vấn cho cuốn Goal!: “Trong các buổi tập, HLV Scolari rất ghét việc các tiền đạo chờ bóng nảy ra từ thủ môn. Ông ấy sợ rằng pha đá bồi có thể khiến cầu thủ gặp chấn thương. Mỗi khi tôi làm như vậy, ông ấy luôn thể hiện thái độ khó chịu. Thế rồi chính trong trận chung kết, tôi lại ghi một bàn thắng theo đúng cách ấy”.

Phút thứ 79, Rivaldo một lần nữa cho thấy anh đã đặt lợi ích tập thể lên trên cá nhân. Kleberson dốc bóng từ biên và chuyền bóng vào vòng cấm. Bóng hướng tới vị trí của Rivaldo, và thay vì khống chế bóng, tiền đạo này lại làm động tác bỏ nhỏ để Ronaldo nhận bóng trong vòng cấm. Tiền đạo răng thỏ một lần nữa hạ gục Kahn với một pha dứt điểm gọn ghẽ, ấn định tỷ số 2-0 cho trận chung kết.

Ronaldo lập cú đúp ở chung kết World Cup 2002

Ronaldo lập cú đúp ở chung kết, giúp Brazil hạ Đức 2-0, lên ngôi vô địch. 

Brazil lần thứ năm lên đỉnh thế giới, trong khi bản thân Ronaldo trở thành Vua phá lưới của giải đấu với tám bàn. Anh cũng phá dớp các Vua phá lưới chỉ ghi được sáu bàn kể từ World Cup 1978. Đây là sự trở lại ngọt ngào của “Người ngoài hành tinh”, bốn năm kể từ cơn động kinh bất ngờ trước thềm chung kết World Cup 1998, khiến anh vật vờ trong thất bại 0-3 của Brazil trước Pháp.

Sau trận đấu, Ronaldo tuyên bố: “Tôi đã trải qua hai năm liền cố gắng hồi phục chấn thương và ngày hôm nay, Chúa đã để dành chiến quả này cho tôi và Brazil”. Anh không giành giải “Quả bóng Vàng World Cup” như bốn năm trước đó (thuộc về Oliver Kahn) nhưng về nhất hai giải thưởng cá nhân quan trọng hơn sau đó: Quả bóng Vàng châu Âu và Cầu thủ hay nhất năm của FIFA.

Về phần Scolari, ông chia tay cương vị HLV trưởng Brazil ngay sau khi lên đỉnh cao để sang dẫn dắt Bồ Đào Nha. Vị thế của ông trong lòng cổ động viên Selecao đáng lẽ sẽ đẹp hơn nếu ông không trở lại để dẫn dắt Brazil tại World Cup 2014, nơi đội chủ nhà trải qua thất bại lịch sử 1-7 trước chính bại tướng năm 2002 – tuyển Đức. Dẫu vậy, công lớn của “Big Phil” trong chức vô địch World Cup gần nhất của Brazil vẫn không thể bị lãng quên. Ông đủ dũng cảm để gạt bỏ công thần Romario, đặt niềm tin vào những cầu thủ chỉ mới bình phục chấn thương, trình làng tài năng trẻ Kaka và biến chấn thương của Emerson thành câu chuyện “tái ông thất mã”.

Chức vô địch năm 2002 là trái ngọt cho sự kiên định và nỗ lực của thầy trò Scolari. Ảnh: AFP.

Từ một đội bóng chỉ giành vé dự World Cup trong lượt đấu loại cuối cùng, Brazil trở thành nhà vô địch tuyệt đối với kỷ lục về số trận thắng tại một kỳ World Cup. Và Scolari thành công nhờ kiên định trên con đường của ông, dù có lúc phải tuyên chiến với cả đất nước.

Thịnh Joey 

=> Xem thêm: Tin Thể Thao 24/7


  Thông tin thêm  

Nhà cái V9bet tặng ngay 100.000 VND chơi đánh bài trực tuyến ăn tiền, xổ số, slot, đánh bài free khi bạn đăng ký tài khoản thành công. Thắng chắc cú 100% được phép rút tiền mặt về các tài khoản ngân hàng của bạn.

Link đăng ký V9bet nhận 100.000 VND free

   –     – 

About Author


v9bet