Một tâm hồn đẹp và khoảnh khắc trác tuyệt

Hoài Thương (theo Eurosport)

Mười lăm năm trước, vào một đêm giữa tuần, Dennis Bergkamp đã ghi một bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Newcastle. Đấy là pha lập công mà sau này được bầu chọn là đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử Arsenal. Điều gì đã diễn ra trong đầu anh ở khoảnh khắc diễn ra hành động siêu việt ấy?

Hầu hết các bàn thắng đều được phân loại rất rõ ràng: sút xa, phối hợp đồng đội, độc diễn, đánh đầu, tung người vô lê. Nhưng đôi khi cũng có những bàn thắng chẳng thuộc phân loại nào cả, vì chúng đã vượt khỏi những hiểu biết thông thường. Chúng đòi hỏi kỹ năng chơi bóng lẫn tư duy tuyệt hảo, điều chỉ có ở những tài năng thực sự. Những cú dứt điểm kiểu này thuộc dạng vô tiền khoáng hậu, và chỉ duy nhất một người mới có khả năng ghi bàn bằng theo đúng phong cách đó.

Mười lăm năm trước, chính xác vào ngày 2/3/2002, thế giới chứng kiến một bàn thắng không thể phân loại như thế trên sân St James’ Park. Ngay khi quả bóng từ chân Bergkamp làm tung lưới Newcastle, người ta đã gọi đấy là một kỳ quan. Bởi vì nó đạt đến độ hoàn mỹ, từ tư duy đến kỹ thuật, là minh chứng của một thiên tài. Bàn thắng ấy còn là kết quả của sự cầu toàn. Sự cầu toàn từng đưa một cậu bé thoát khỏi bóng đá hè phố ở Hà Lan để đến miền Bắc nước Anh, đưa anh lên một đỉnh cao nghề nghiệp mà rất ít đồng nghiệp có thể chạm đến. Sự cầu toàn ấy làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Arsenal. Và cuối cùng, nó tạo ra một khoảnh khắc kỳ diệu trong bóng đá, dù chính Bergkamp cũng không nhận ra sự vĩ đại của bản thân anh.

Làm thế nào một con người có thể kiến tạo những tác phẩm độc nhất cho nhân loại? Một bộ óc siêu việt? Sự tận hiến với nghệ thuật? Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tâm hồn và khối óc? Hay có những thiên tài sinh ra đã có năng lực đặc biệt vượt qua giới hạn thông thường của con người, và mỗi hành động của họ đều ẩn chứa sự bí ẩn không thể giải thích? Liệu họ có năng lực kiểm soát điều đó?

Cuộc tranh luận về ý chí

Năm ngoái, tạp chí The Atlantic xuất bản một bài luận gây ít nhiều xôn xao. Bên dưới nhan đề “Ý chí tự do không tự nhiên có sẵn”, nhà triết học Stephen Cave thách thức quan điểm liệu con người có tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Đây là một vấn đề từng gây tranh cãi suốt hàng trăm năm trong các thuyết khoa học, và ngày nay, sức ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục lan rộng và phổ biến trong các lĩnh vực như đạo đức, luân lý và pháp lý. Bởi, nếu con người không chịu trách nhiệm cho hành động của mình, điều đó sẽ gây ra những vấn đề đối với hệ thống luật pháp. Giả như ý chí tự do chỉ là ảo ảnh, câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm sự thiên tài là được quyết định bởi yếu tố sinh học? Cave viết:

Chúng ta biết luôn có luồng điện sinh học thắp sáng bóng đèn trên não một người trước khi anh ấy làm điều gì đó, ví dụ di chuyển bàn tay của họ. Đây là phát biểu của nhà tâm lý Benjamin Libet, ông cho rằng cơ thể đã chuẩn bị cho hành động trước khi con người có ý thức về sự di chuyển ấy. Các trải nghiệm nhận thức quyết định việc đưa ra hành động, điều mà chúng ta thường biết đến với tên gọi “ý chí tự do”. Ý chí tự do là phần được “cài thêm” vào não, xây dựng lại các sự kiện đã xảy ra sau khi bộ não đã được thiết lập hệ thống chuyển động. Một cuộc tranh luận về sự di truyền – sự nuôi dưỡng hồi thế kỷ 20 đã rút ra kết luận rằng cơ thể được hình thành bởi những yếu tố vượt khỏi sự kiểm soát của con người. Nhưng cũng có những nghi ngờ rằng bản thân con người có thể vượt qua hoàn cảnh có sẵn, sự định hình của gen để trở thành người quyết định số phận cuộc đời mình. Giả thuyết của các nhà khoa học thần kinh có phần thuyết phục hơn: họ cho rằng mọi hệ thống thể chất đều tương đồng, nghĩa là bộ não không có khả năng biến đổi quá nhiều, cũng giống như quả tim luôn đập như vậy

Nhưng lý thuyết đó không cho thấy sự thuyết phục khi soi chiếu vào sự nghiệp của Dennis Bergkamp. Không chỉ trong những tình huống chói sáng nhất mà ở rất nhiều thời điểm trong suốt sự nghiêp rực rỡ, anh luôn là ví dụ tiêu biểu cho sức mạnh của óc tưởng tượng. Anh vạch ra chính xác những điều mình sẽ làm, cách thức thực hiện chúng, thậm chí tự họa trong đầu những bản đồ. Khi đối diện với cầu thủ đối phương, như trong tình huống với Newcastle, Bergkamp còn tính toán các thông số toán học và vật lý để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp.

Liên quan đến bàn thắng được ghi vào 15 năm trước, Bergkamp giải thích trong cuốn tự truyện “Tốc độ và sự tĩnh lặng” như sau: “Suy nghĩ đầu tiên thoáng qua là ‘Tôi muốn ghi bàn, và vì vậy tôi sẽ làm mọi cách để sút bóng vào lưới, không cần biết quả bóng chạm đến chân tôi như thế nào’. Khi trái bóng còn cách tôi 10 mét, tôi đã quyết định ‘mình phải chuyển hướng nó”.

Có thể bộ não là kẻ độc tài, chỉ huy mọi hành động của cơ thể thông qua các phản ứng hóa sinh. Ngay cả như thế thì Bergkamp vẫn sở hữu bộ não… ngoan nhất, bởi nó tuân thủ ý chí và sự tưởng tượng của anh ta. Chính điều này tạo ra những bàn thắng và những pha kiến tạo đã tô điểm cho bóng đá, đúng với cách mà người ta định nghĩa về môn thể thao vua: a beautiful game (một trò chơi đẹp).

Khoảnh khắc kỳ diệu của Dennis Bergkamp

Tuy nhiên, một tranh luận lại diễn ra. Có ý kiến cho rằng, kiệt tác của Bergkamp là khoảnh khắc hội tụ của những gì tinh túy nhất trong suốt sự nghiệp. Khoảnh khắc ấy đã đến trong lúc mọi thứ đều chín muồi: sự thấu hiểu về kiểm soát và kiến tạo, những trải nghiệm chạm bóng và tạo cho nó lực xoáy, sự nhận thức về không gian cũng như sự cầu toàn đã theo anh suốt sự nghiệp.

Có một điều chắc chắn: Những bước di chuyển thuần thục ấy không phải chỉ mới bắt đầu khi Robert Pires cướp bóng từ chân một tiền vệ Newcastle, hay khi Patrick Vieira chuyền bóng từ phần sân nhà cho Bergkamp. Những kỹ năng ấy đã được tích lũy từ sân bóng hè phố bao quanh thủ đô của Hà Lan.

Những năm tháng ở Amsterdam

Ngày đó tôi hầu như chỉ chơi bóng một mình, cứ quanh quẩn đá bóng vào tường, quan sát cách nó dội ngược ra và tìm cách kiểm soát nó. Tôi luôn thấy trò đó mới hay ho làm sao! Tôi thử nhiều cách khác nhau: đầu tiên đá bằng một chân, sau đó chuyển sang chân kia, lúc thì má ngoài, khi thì má trong, rồi mu chính diện. Rồi tôi thay đổi nhịp điệu, lúc đá thật nhanh, khi lại chạm bóng thật chậm. Có lúc tôi lại nhắm vào một ô gạch, hay một xà vắt ngang. Hết chân trái, lại chuyển sang chân phải, hết đá mạnh lại tập đá xoáy, cứ thế làm đi làm lại nhiều lần… Chuyền bóng chỉ là chuyện rất lâu sau này, lúc đó có thể người nhận bóng sẽ nhận ra ai vừa chuyền quả bóng này. Nhưng lúc còn là một đứa trẻ, tôi thực sự chỉ muốn đá bóng vào tường. Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện chuyền bóng trong suốt tuổi thơ. Tôi chỉ say mê tận hưởng nguyên lý của sự vận động, một niềm vui riêng biệt… Tôi không hề ám ảnh. Chỉ đơn giản tôi bị hấp dẫn bởi cách trái bóng di chuyển, cách quả bóng xoáy, và cách ta xử lý với một quả bóng xoáy đang bay về phía mình, Bergkamp viết trong tự truyện.

Ở nửa sau thập niên 1960 đến nửa đầu 1970, thành phố Amsterdam tưng bừng khí thế cải cách. Một cuộc cách mạng đã quét qua thành phố, những truyền thống cũ bị đặt trước sự thử thách trong lúc các giá trị mới nổi đe dọa thay đổi toàn bộ bộ mặt xã hội. Tiên phong là một nhóm vô chính phủ, gọi là Provos. Họ là người khởi xướng hành động trên toàn thành phố và ra tuyên ngôn về những thay đổi.

Trong số ấy, đáng kể có việc thay xe hơi bằng 20.000 chiếc xe đạp miễn phí được sơn trắng và không bao giờ khóa (thông tin từ thư viện Anh quốc). Phong trào hippies đổ bộ vào Amstedam trong khoảng từ 25-31/3/1969. Lúc này, Amsterdam trở thành trung tâm xúc cảm của toàn nhân loại. John Lennon và Yoko Ono hưởng tuần trăng mật của họ ở thành phố này, trong một căn phòng tổng thống tại khách sạn Hilton. Lennon từng nói: “Amsterdam đã chứng kiến rất nhiều thứ tuyệt vời diễn ra với tuổi trẻ.” Tuần trăng mật của ông quả đã gây ra một bước chuyển siêu thực.

Dennis Bergkamp đã được sinh ra trong bối cảnh mà một nền văn hóa luôn có sự biến chuyển và không ngừng sáng tạo như vậy. Chính xác là anh được sinh ra sáu tuần sau khi John Lennon và vợ đóng gói bộ đồ pyjama trắng để bay sang Áo. Mẹ là một vận động viên thể dục dụng cụ không chuyên, cha là thợ thủ công, ngay từ nhỏ Bergkamp đã cho thấy sự pha trộn giữa thể thao và sáng tạo. Cậu bé ấy chơi bóng cùng các anh em trên hè phố, luyện tập không mệt mỏi với những bức tường, trau dồi kỹ thuật kiểm soát đến mức hoàn hảo.

Sinh ra một năm trước khi Ajax giành chiếc Cup C1 đầu tiên, trong chuỗi ba năm thống trị liên tiếp sân chơi này, Bergkamp đúng là đứa con ưu tú của nền bóng đá tổng lực. Anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hình ảnh Johan Cruyff và sau đó bắt đầu sự nghiệp trong mày áo Ajax, dưới sự dẫn dắt của chính Cruyff. Có lẽ Bergkamp khó mong một người truyền cảm hứng nào phù hợp hơn. Chúng ta thấy gì ở mối quan hệ Cruyff – Bergkamp: một thiên tài với mong muốn truyền đạt những tinh túy nhất cho hậu bối.

Trong quyển “Một Arsenal thực sự” của Brian Glanville có đoạn Bergkamp nói về Cruyff: “Với tất cả những gì ông ấy hiểu biết và truyền đạt, một cầu thủ trẻ được Cruyff hướng dẫn là cả một phúc lành từ thượng đế. Ông để chúng tôi thử những điều mà những quản lý khác vì áp lực nên họ không có can đảm thực hiện. Ông cũng không quan tâm báo chí, dư luận hay các ông bầu bàn tán điều gì. Trên tất cả, ông có đóng góp thật đặc biệt trong việc cổ vũ các cầu thủ đi ngược dòng thời đại. Trong khi mọi người chăm chăm xây tường phòng thủ, Johan dám chấp nhận rủi ro để biến bóng đá trở nên đẹp mắt”.

Top 10 bàn của Dennis Bergkamp tại Ajax

Ảnh hưởng sâu sắc của Cruyff trong bóng đá đã lan truyền mạnh mẽ, vượt qua rào cản giữa các quốc gia và kéo dài trong nhiều thập kỷ. Nhưng ngay tại quê nhà ở Amsterdam, ngay tại thời điểm khởi đầu sự nghiệp huấn luyện, cầu thủ trẻ 16 tuổi Bergkamp là một trong những người đầu tiên tiếp thu những bài học quý báu từ vị chiến lược gia thiên tài đó. Anh chỉ có hai năm chơi bóng dưới triều đại Cruyff, nhưng đó là thời gian đặt nền móng cho toàn bộ sự nghiệp. Thành công lớn của người đàn ông vĩ đại là ông đã tìm thấy truyền nhân.

Chúng ta thấy gì khi nhìn lại những pha ghi bàn đẹp nhất, trong tổng cộng 122 bàn mà Bergkamp ghi cho Ajax sau 237 trận? Đấy là những cú dứt điểm tinh tế, vừa đủ lực vừa đủ hiểm để hạ thủ môn đối phương. Đấy là một phong thái đĩnh đạc, già dặn trước tuổi, khác xa với những tiền đạo đồng trang lứa. Một cú lốp bóng, một cú lốp khác và lại lốp nữa. Thật lạ kỳ khi với một người sau này nổi tiếng với chứng sợ bay, anh lại thích làm cho quả bóng di chuyển trên không càng lâu càng tốt.

Bản năng chơi bóng của Bergkamp đã hình thành từ khi anh còn nhỏ. Ngày bé, Bergkamp rất thích lốp bóng qua đầu thủ môn, vì đó là cách đơn giản nhất để ghi bàn vào lưới những đứa trẻ phải đứng trong những khung thành quá khổ. Đặc điểm đó vẫn duy trì từ các sân tập cho đến những mặt sân lớn nhất của Eredivisie – giải vô địch Hà Lan. Phong cách đó đã tạo sự khác biệt ở riêng anh.

Bergkamp viết trong “Tốc độ và sự tĩnh lặng” như sau: “Tôi rất thích cách Federer chơi bóng. Để giành quyền kiểm soát, bạn phải lừa được thủ môn, lừa được đối thủ. Giống như cách Federer tung ra cú rờ ve, phải ngụy trang bằng cú lốp bóng. Tôi thích tung ra những tuyệt chiêu mà không ai làm và có biết thì cũng không thể làm được. Đó là sở thích của tôi, không bắt chước ai, mà là tự tạo phong cách cho riêng mình.”

Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo

Môi trường chơi bóng ở Hà Lan rất lý tưởng với lối tư duy của Bergkamp. Ở Amsterdam, trong suốt thời gian mà thành phố trải qua quá trình tái tạo, anh bắt đầu học cách tìm ra giải pháp mới cho những vấn đề cũ, và thực tập cảm giác bóng phi thường của mình theo những cách độc nhất. Khi trưởng thành, anh lại tiếp tục mài giũa quá trình suy nghĩ, những kỹ năng chơi bóng, trong bầu không khí tự do của Ajax, mà hầu hết được tuân theo điều kiện lý tưởng Cruyff đặt ra. Sau đấy, khi đã giành chức vô địch Hà Lan mùa giải 1989-1990 và Cup UEFA mùa 1991-1992, đã đến lúc anh phải bước tới một miền đất khác.

Inter Milan không muốn chỉ là kẻ nói suông mà hy vọng tạo ra thành quả. Kỷ nguyên vàng son của AC Milan được xây dựng bởi Arrigo Sacchi đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lối chơi của người Italy. Bỏ catenaccio sang một bên, họ tập trung vào tấn công, giữ bóng và phòng ngự khu vực. Inter cũng muốn thay đổi để trở thành đối trọng với kình địch cùng thành phố, và họ xem Bergkamp là một bản hợp đồng chủ lực. Anh sang đây vào năm 1993 nhưng rốt cục, chẳng có cuộc thay đổi nào diễn ra cả. Một cuộc khủng hoảng về triết lý bóng đá diễn ra, và Bergkamp buộc phải tuân theo lối đá phòng ngự cổ điển của Inter. Ngay từ đầu, đấy đã là một cuộc hôn phối không hạnh phúc.

Tuy nhiên, Arsenal lại hoan nghênh cách tư duy mới của Bergkamp. Năm 1995, cầu thủ người Hà Lan chuyển đến London, và bắt đầu thời hoàng kim của sự nghiệp. Đó là một bước chuyển quan trọng cho cả cá nhân anh và đội bóng, mặc cho lúc ban đầu có lắm kẻ đã vội hoài nghi.

Alan Sugar, ông chủ của Tottenham châm chích: “Tôi không thể dành ra đến hơn 7 triệu bảng chỉ để chiêu mộ một cầu thủ như thế, thứ lỗi nhưng tôi không thể”. Thời gian ấy, thứ hạng của Arsenal cũng gây nên nhiều mẫu thuẫn. Họ đang gặp khó khăn và một số cổ đông lớn nhất phản đối việc phải chi tiêu nhiều hơn. Trong một trận đấu năm 1996, một cơn bão giận dữ đã quét qua Highbury khi các CĐV hò hét, la ó khắp khán đài.

Myles Palmer kể lại trong quyển “Giáo sư” (The Professor): “Phó chủ tịch David Dein đã đáp trả làn sóng phản đối đó như sau: ‘Nếu có ai không đồng tình việc chúng tôi mua Dennis Bergkamp với giá 7.5 triệu bảng thì lên tiếng đi. Bọn tôi có thể bán lại cậu ta với giá gấp đôi cho mà xem”. Không dừng lại ở đó, khó khăn chồng chất khó khăn. Bergkamp còn phải tiếp tục đối diện với nền văn hóa phòng thay đồ nhiều tai tiếng của Arsenal. Trong lần phỏng vấn với Martin Keown vào năm 2013, Bergkamp đã kể lại:

Thoạt đầu, tôi không hề biết đến khái niệm ‘Arsenal nhàm chán’, cho đến khi bước chân vào đội bóng. Nơi đấy hoàn toàn khác xa sự chuyên nghiệp của văn hóa Italy. Nó giống như đá free style vậy. Không hề chuyên nghiệp chút nào. Cứ mỗi lần tôi về khách sạn, đều thấy quầy bar đầy ắp các thức uống và thừa mứa thức ăn chuẩn bị trước trận đấu. Theo tôi, như vậy là chưa đủ chuyên nghiệp. Các buổi tập cũng không đủ dài và khó… Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi nhận ra rằng có một kế hoạch đã được lập nên ở Arsenal, Arsene Wenger đã nhúng tay vào, và mọi thứ dần thay đổi.

Việc bổ nhiệm Wenger là quyết định hệ trọng thứ nhì trong công cuộc tái cấu trúc Arsenal, chiêu mộ Bergkamp chính là quyết định đầu tiên. Và cùng với nhau, hai tâm hồn đồng điệu ấy đã định hình lại tính thẩm mỹ của câu lạc bộ, để rồi nâng đội bóng lên tầm cao mới với ba danh hiệu Ngoại hạng Anh cùng bốn Cup FA. Suốt thời kỳ hợp tác đó, mỗi người đều phát tiết ra những gì tinh túy nhất, đồng thời góp phần giúp người kia khai phá những tiềm năng. Nhưng, có lẽ Bergkamp là người bắt đầu trước. Amy Lawrence viết trong quyển “Invincible” (Bất khả chiến bại) về mùa giải bất bại 2003-2004 như sau:

Sự hồi sinh của Arsenal, nhìn một cách tổng thể, thực sự bắt đầu từ Bergkamp. Cậu ấy là người chơi nốt đầu tiên của dàn giao hưởng. Như một người thổi kèn oboe, từng nốt vang lên hoàn hảo, rõ ràng và mọi nhạc công khác đều đi theo giai điệu này. Cậu ấy bắt đầu, và những người khác phản ứng theo. Trong thời kỳ CLB hình thành bản sắc mới, cậu ấy đến đúng lúc, và nâng tầm tiêu chuẩn cũ, dung nạp lý tưởng bóng đá tổng lực của Hà Lan – giàu kỹ thuật, sáng tạo, tập thể – xem cậu ấy chơi bóng luôn là điều thích thú. Chỉ trong vòng một năm từ ngày cậu ấy xuất hiện, mọi thứ dần nảy nở giống như những nhân cách mạnh mẽ phát triển từ tâm hồn của người đã đưa ra ý tưởng ấy. Hiệu quả thể hiện rõ khi chỉ từ một người solo giờ đội bóng đã thực sự là dàn giao hưởng.

Nhưng Bergkamp không đơn giản chỉ dạo chơi và rồi tình cờ thay đổi mọi thứ, anh tự biến bản thân thành một tấm gương, không hò hét lớn tiếng mà để cho mọi người dần thẩm thấu. Thời gian thi đấu tại Inter đã dạy Bergkamp nhiều điều về sự chăm chỉ. Nhìn vào những gì đạt được tại Arsenal – 120 bàn trong 423 trận đấu suốt 11 mùa giải, với ba chức vô địch Ngoại hạng Anh, và bốn Cup FA – tất cả càng củng cố cho quá trình luyện tập điên cuồng.

Top 5 bàn của Bergkamp tại Ngoại hạng Anh

Các đồng đội đều thừa nhận những nỗ lực của anh, sau những bàn thắng tuyệt vời và đường chuyền sắc sảo. Paul Merson trả lời với Glanville: “Bạn có tập chăm chỉ gấp ba gấp bốn chắc chắn cũng không so được với Dennis”. Còn Ray Parlour thì viết trong hồi ký “The Romford Pele” rằng: “Cậu ấy là người đã thay đổi toàn bộ thái độ của chúng tôi về việc luyện tập. Bọn tôi đã được rửa mắt rất nhiều lần mỗi khi quan sát cậu ấy nỗ lực và chăm chỉ không biết mệt mỏi. Bạn phải chột dạ mà tự nhủ rằng: Gượm đã, mình cần phải nỗ lực hơn nữa”. Thierry Henry thì trả lời phỏng vấn năm 2015: “Cách anh ấy tập luyện thật phi thường. Dennis chẳng bao giờ chịu mất bóng. Anh ấy sẵn sàng chơi bẩn, hoặc tộng vào mặt bạn, chỉ để đảm bảo mình là người đầu tiên chiếm được quả bóng”.

Tập luyện chăm chỉ đã trở thành nền tảng thay đổi lối chơi của Arsenal, khi mà lối chơi phòng thủ của George Graham dần nhường chỗ cho những chiến lược của Wenger. Bergkamp như một ống nước, đã kết nối mọi thứ lại với nhau. Cựu thủ môn Bob Wilson bày tỏ sự thán phục: “Tôi cho rằng từ ngày có sự xuất hiện của Dennis Bergkamp, Arsenal đã hình thành hào quang mới.” Còn theo tiền đạo Ian Wright thì nói “Dennis làm thay đổi DNA của mọi trận đấu mà đáng lẽ nó phải như thế.” Trong một mẩu đối thoại với Lawrence trong “Invincible”, Patrick Vieira cũng tán thành: “Mọi thứ đều bắt đầu từ Dennis, phải thành thật mà nói vậy.”

Graham đã thành công trong việc đoạt các danh hiệu. Với Wenger, danh hiệu còn đi kèm với một cách chơi sẽ mang đến những nhận thức khác về bóng đá cho các CĐV. Dưới thời Wenger, với Berkamp là tiêu điểm, bóng đá trở về với hình mẫu nghệ thuật đẹp đẽ nhất mà nó vốn có, và sẽ chẳng có khoảnh khắc nào sánh được với sự hoàn mỹ ấy như trận đấu ở St James’ Park vào đầu tháng Ba, năm 2002.

Dennis Bergkamp ở Arsenal. Đồ họa: Tiến Thành – Nhật Tảo

Bàn thắng

Khi đó, Man United đang dẫn đầu Ngoại hạng Anh, hừng hực khí thế vô địch năm thứ tư liên tiếp. Newcastle, được dẫn dắt bởi Sir Bobby Robson, cũng là một ứng viên cạnh tranh. Nhưng trận đấu chỉ trôi qua được 11 phút trước khi Bergkamp đưa Arsenal vượt lên, đồng thời tiến thêm một bước đến chiến thắng thứ ba liên tiếp ở Ngoại hạng Anh, một mạch trận mà sau đó được kéo dài đến tận con số 13 vào cuối mùa.

Bàn thắng khởi nguồn từ phần sân nhà của Arsenal khi Patrick Vieira đoạt lại quả bóng trong chân cầu thủ Newcastle và ngẩng mặt nhìn lên. Lần này, Vieira nhìn thấy Bergkamp và chuyền cho người đồng đội mang áo số 10. Bergkamp chuyển bóng ngay cho Robert Pires. Rồi đột nhiên anh tăng tốc như thể một cầu thủ mới được vào sân thay người. Vừa mở hết tốc lực, Bergkamp vừa giơ tay xin bóng. Anh kể lại trong cuốn hồi ký: “Tôi muốn Pires chuyền bóng đến đà chạy của mình, nào ngờ quả bóng lại đến từ phía sau. Tôi không chờ đợi điều đó, nên tôi nghĩ: phải chuyển sang phương án B thôi. Vậy nên tôi xoay người lại, hất quả bóng lên rồi vòng qua người truy cản”.

Đấy là một cú chạm bóng tinh tế hoàn hảo, tiếp nối bởi một cú xoay người chỉ thấy trong môn múa ba lê và khoảng trống bỗng dưng mở ra trước mặt. Trước pha chạm bóng ấy, Bergkamp còn đứng quay lưng về phía khung thành, quanh anh không có đồng đội hỗ trợ trong khi cả bốn hậu vệ của Newcastle đều đang đứng đúng vị trí phòng ngự. Vậy mà chỉ một động tác hất bóng, kèm theo một động tác xoay người, cả bóng lẫn Bergkamp đều đã ở sau lưng Dabizas. Anh phân tích như một nhà khoa học: “Bạn biết hậu vệ đang đứng đâu, tư thế ấy khiến đầu gối của anh ấy khó mà lập tức xoay chuyển được. Nên tôi nghĩ cứ hất bóng lên đã rồi xem sao”.

Sau khi hất bóng lên, luồn ra sau lưng và nhìn thấy khung thành, chạm tiếp theo là một cú dứt điểm vào góc thấp. Không thể cản phá!

Hậu vệ phải Arsenal hôm đó, Lauren nói với Eurosport: “Tôi phải trở về nhà, bật nó lên và xem đi xem lại. Chỉ đến khi ấy tôi mới thật sự ngỡ ngàng nhận ra là anh ấy đã làm gì. Không thể tin nổi… Khi chơi cùng với những cầu thủ đặc biệt dường ấy, bạn luôn biết anh ấy kiểu gì cũng suy nghĩ trước đối phương một giây. Đấy là món quà của Chúa. Bóng đá là câu chuyện của những quyết định: chuyền hay lừa, giữ bóng lại hay sút. Những người như Dennis đã biết họ phải làm gì một giây trước khi bóng đến”.

Không chỉ Lauren, mà rất nhiều người đã phải xem đi xem lại pha bóng ấy. Phải xem đi xem lại với sự chú tâm cao nhất, ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp của pha ghi bàn ấy, cũng giống như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Cũng giống như khi ta nhìn thấy Guernica (tác phẩm vĩ đại của danh họa Picasso) lần đầu trong bảo tàng Reina Sofia, cảm giác sẽ là sự choáng ngợp. Nhưng phải nhìn thật kỹ vào bức sơn dầu 3,49m x 7,7m ấy, đưa mắt đến từng góc cạnh bạn mới thấy được sự tinh tế trong từng nét vẽ. Bàn thắng của Bergkamp cũng đạt đến mức độ nghệ thuật và hoàn mỹ ấy. Bấm dừng lại ở bất kỳ giây nào, bạn cũng cảm thấy nó là một khuôn hình tuyệt đẹp. Lauren kết luận sau 15 năm: “Đấy là một bàn thắng ma thuật, đến từ một cầu thủ ma thuật trong một pha bóng ma thuật”.

Thiên tài của Dennis Bergkamp

Chỉ có một người nghĩ pha bóng ấy không hoàn hảo, và đấy là… Bergkamp. Anh nói với người chấp bút cho tự truyện, David Winner: “Pha bóng ấy vẫn phải có yếu tố may mắn trong đó”. Đấy là nếu như Dabizas đoán được được ý định, anh ta sẽ không áp sát mà giữ nguyên vị trí, thậm chí sẽ xoay người trước khi Berkamp kịp lách qua. Đấy là lý do vì sao pha ghi bàn của Robin van Persie vào lưới Tây Ban Nha ở World Cup 2014 đẹp hơn bàn thắng được chọn của James Rodriguez. Bởi vì pha ghi bàn của Van Persie chưa từng có trong lịch sử, nó là một ánh sáng thiên tài được lóe lên ở giây phút ấy. Đấy cũng là phẩm chất điển hình của người Hà Lan, họ rất táo bạo và sáng tạo.

Với Bergkamp, anh sáng tạo không phải để biểu diễn. Anh lốp bóng qua đầu thủ môn không phải để thể hiện mà vì đó là cách tốt nhất để ghi bàn. Nhìn lại pha ghi bàn của Bergkamp, người xem dễ quên mất nó xuất phát từ một đường chuyền không tốt của Pires. Nhưng Bergkamp không chọn phương án bình thường là chặn bóng lại, chờ đồng đội lên. Anh quyết tâm phải ghi bàn. Và khi đường chuyền của Pires không tốt, anh chuyển sang phương án B là… tâng bóng qua đầu Dabizas. Cũng giống như pha ghi bàn trác tuyệt khác ở World Cup 1998 của chính Bergkamp vào lưới Argentina. Nó xuất phát từ một đường chuyền không tốt của Frank de Boer. Nhưng Bergkamp đã nhảy lên… kéo quả bóng xuống, loại Roberto Ayala rồi sút vào góc xa. Anh làm thế không phải để biểu diễn, mà nó là cách duy nhất lẫn… dễ nhất để ghi bàn.

Siêu phẩm của Bergkamp vào lưới Argentina năm 1998

Vâng, dễ nhất. Vì đấy là lời dạy của Johan Cruyff: phương án dễ nhất là phương án tốt nhất. Bergkamp luôn suy nghĩ để tìm ra phương án dễ nhất.

Sự nghiệp của Bergkamp kết thúc trong trận đấu mà Arsenal để thua Barcelona ở Stade de France, trên ghế dự bị của trận chung kết Champions League. Vài tuần sau đó, Arsenal rời bỏ sân Highbury để chuyển sang Emirates. Nhưng Bergkamp, cũng như chính Highbury, đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Anh đã tạo ra một Arsenal của hiện đại, định hình một phong cách, xác lập một triết lý.

Cả đời Bergkamp đi tìm sự hoàn hảo. Khi ngay cả Nikos Dabizas cũng cảm thấy… vinh dự bị anh vượt qua trong pha bóng thiên tài ấy, chính Bergkamp lại cảm thấy nó chưa được… hoàn hảo mấy. Nhưng ngay cả như vậy, nó cũng đã là một pha bóng bất tử. Một khoảnh khắc trác tuyệt đến từ một thiên tài vô tiền, khoáng hậu!


=> Xem thêm: Tin Thể Thao 24/7


  Thông tin thêm  

Nhà cái V9bet tặng ngay 100.000 VND chơi đánh bài trực tuyến ăn tiền, xổ số, slot, đánh bài free khi bạn đăng ký tài khoản thành công. Thắng chắc cú 100% được phép rút tiền mặt về các tài khoản ngân hàng của bạn.

Link đăng ký V9bet nhận 100.000 VND free

   –     – 

About Author


v9bet