Mổ xẻ cú trượt chân định mệnh của Gerrard


Sáu năm đã trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh có lẽ chưa thể nguôi ngoai với CĐV Liverpool khi đến ngày 27/4 – dấu mốc chứng kiến sai lầm đi vào lịch sử của đội trưởng huyền thoại Steven Gerrard.

Hình ảnh cắt lát khoảnh khắc sai lầm của Gerrard, từ lúc anh đỡ hụt đến lúc cố đuổi theo và để mất bóng vào chân Demba Ba.

Một cú chạm bóng trước khi xoay người chuyển hướng. Gerrard nắm vững kỹ thuật này như cách anh thở. Đội trưởng Liverpool lui về phần sân nhà, bóng tới đúng tầm chân từ biên trái. Anh xoay nhẹ người để tạo góc phát động. Một động tác vê bóng đơn thuần hướng đến một đợt tấn công mới, và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đó sẽ là cái bẫy. Một ý tưởng đúng đắn, trong những giây bù giờ cuối hiệp một.

Mục đích của G8? Giữ đà, lấy trớn cho một pha phất dài chuyển hướng tấn công, kéo dãn hàng tiền vệ đối phương. Một tình huống như thế diễn ra khoảng 50 lần mỗi trận. Cụ thể, trong trận trận đấu với Chelsea ngày 27/4/2014 – ở vòng đấu thứ 36 của Ngoại hạng Anh 2013-2014 là 58 lần. Nhưng người thợ lành nghề này, tồi tệ thay, đã ngủ quên lơ đãng.

Liệu mấy ai còn nhớ Tomas Kalas? Chín năm thuộc biên chế Chelsea, anh chỉ vào sân thi đấu ở Ngoại hạng Anh vỏn vẹn hai lần. Tour du đấu mùa hè 2013, cầu thủ người Czech được HLV Jose Mourinho tạo điều kiện thi đấu trước các đội bóng Đông Nam Á. Thật không may, Kalas gãy xương mác. Nhưng, cũng rất ngạc nhiên, Kalas được góp mặt trong đội hình đá chính của Chelsea, trong trận đấu mang tính chất tranh chấp ngôi vô địch với Liverpool, và tại Anfield. Đó là lần đầu tiên Kalas được hít thở bầu không khí Ngoại hạng Anh, thậm chí thay thế cho đội trưởng John Terry và cả Gary Cahill nữa.

Đầu trận, anh đánh đầu nguy hiểm từ quả phạt góc của Chelsea mà không bị ai kèm cặp. Bình luận viên Martin Tyler đặt câu hỏi, phép màu nào đưa Kalas đến Anfield, và còn tạo ra những mối nguy hiểm cho Liverpool. Nó như điềm báo cho một ngày thi đấu điên rồ và nhiều trắc trở với Liverpool.

Bảng điểm trước trận. Liverpool, sau 35 trận, đạt 80 điểm, nhiều hơn đến sáu điểm so với Man City. 

Trong suốt chiến dịch 2013-2014, Liverpool mở các đợt tấn công với Gerrard chơi lùi sâu. Đó là cách Brendan Rodgers xây dựng lối chơi. Gerrard chính là sự bổ sung cho hàng phòng ngự ba người, khi mà các trung vệ tách ra đứng riêng rẽ. Phương án đó đã phát huy tác dụng.

Mamadou Sakho đứng bên trái Gerrard, Jon Flanagan được đẩy lên cao hơn. Từ hàng tiền vệ, Philippe Coutinho nhường lại khoảng không gian cho Sakho, lập tức chiếm lĩnh các khoảng trống ở gần khu vực cấm địa của đối phương trong những đợt tấn công của Liverpool. Joe Allen – người chia sẻ nhiệm vụ phân phối bóng và đánh chặn, cũng mau chóng dồn ép đối thủ.

Gerrard là người cuối cùng, chơi thấp hơn cả các trung vệ và có lẽ là người đứng gần nhất với thủ thành Simon Mignolet. Anh chơi như một libero trong hệ thống đã vận hành trơn tru suốt chín tháng của Liverpool ở mùa giải 2013-2014. Không có quá nhiều mối quan tâm khoảng không gian rộng lớn của Gerrard, khi mà cả một hệ thống đã được kích hoạt ở phía trên, sẵn sàng cho mọi đợt tấn công. Người đội trưởng huyền thoại của Liverpool được biết đến với khả năng chuyền bóng xuất sắc bậc nhất lịch sử Ngoại hạng Anh, với những đường chạm bóng bước một nhạy cảm. Sakho hiểu rõ điều đó. Vậy nên, anh phó mặc cho Gerrard tất thảy.

Những giây cuối cùng trước giờ nghỉ giải lao, bóng đang luân chuyển một cách vô nghĩa. Dù chưa nhận bóng, Gerrard không muốn chuyền sang bên phía Skrtel khi đó đang ở bên cánh phải. Anh cố gắng tìm mối liên lạc với Lucas Leiva, người đã dần lùi xuống vài mét để sẵn sàng nhận bóng, phát động đường tấn công cuối cùng của hiệp đấu. Tiền vệ người Brazil sẽ nhận bóng, nhồi nó về phía khung thành Chelsea bằng một đường phất dài, hoặc một pha xẻ nách sang hai bên cánh. Liverpool đang chiếm lĩnh quả bóng, và họ có quyền làm điều mình muốn. Chỉ với 35 giây còn lại, đội chủ nhà được phép tạo ra đôi chút phiêu lưu.

Gerrard muốn thực hiện một đường chuyền nhanh, và hy vọng đó sẽ là khởi nguồn của một bàn thắng ngoạn mục, bàn thắng quan trọng nhất trong trận đấu lớn nhất mùa giải. Liverpool luôn nỗ lực dẫn bàn trước khi hiệp đầu tiên khép lại. Đó là cách họ đã chơi và gặt hái hàng loạt chiến thắng trong mùa giải đó. Đến nỗi, nó trở thành thương hiệu của “Lữ đoàn đỏ” trong giai đoạn thăng hoa tột bậc cùng Brendan Rodgers.

Từ đường chuyền của Sakho, bóng hướng về Gerrard. Trong sự phấn khích, căng thẳng xen lẫn lo lắng, Gerrard ngẩng đầu hít một hơi, chân trước và chân trụ thẳng hàng. Đội trưởng của Liverpool thậm chí không nhìn vào quả bóng, hay nói chính xác hơn, điều đó có vẻ như không cần thiết. Gerrard đã hãm bóng ngay cả trong giấc mơ của mình. Anh thực hiện các động tác với tốc độ gấp đôi, cố gắng luân chuyển quả bóng thật nhanh về phía Lucas đồng thời đặt ra cái bẫy để khiến các cầu thủ Chelsea mất cảnh giác. Nó có thể là một cú đấm trực diện của sự dũng cảm.

Nhưng anh thực hiện tất cả với tốc độ quá nhanh. Trái bóng lách qua gầm bàn chân với khoảng cách tưởng chừng bằng những milimet. Một cú chạm chậm hơn sẽ dễ dàng chế ngự được nó. Không có chiếc đinh tán nào kịp hãm quả bóng lại. Thảm cỏ cũng trở nên trơn trượt.

“Họ đã tưới nước suốt cả ngày, theo đúng nghĩa đen mà bạn có thể hiểu”, Ed Chamberlin – chứng nhân ở Anfield hôm đó – chia sẻ về mặt cỏ sân Anfield ngày 27/4/2014. Khi ấy Ed còn là bình luận viên cho Sky Sports, nhưng bây giờ đã “nhảy” sang ITV.

“Nó rất trơn! Chúng tôi mấy lần suýt chút trượt ngã trong lúc phỏng vấn”, cựu tiền đạo Niall Quinn phụ họa.

Đó là khởi nguồn của sự hoảng loạn. Và tấn bi kịch đang chờ đợi người Merseyside chỉ vài tích tắc sau đó!

Gerrard cúi gằm mặt khi đến gần HLV Brendan Rodgers. Ảnh: Sky Sports.

Demba Ba – người đã tận dụng cơ hội “gần như duy nhất” mà anh có trong suốt buổi chiều định mệnh, khi ấy đang ở cách quả bóng chừng 10 mét. Bạn có thể mường tượng rằng Jose Mourinho sẽ yêu cầu tiền đạo người Senegal liên tục quấy rối các trung vệ của Liverpool. Cả Skrtel lẫn Sakho đều không phải những cầu thủ xử lý bóng bằng chân một cách thiện nghệ. Nhưng “Người Đặc Biệt” có lẽ cũng không thể hình dung ra bối cảnh này. Và chắc chắn không phải là với Gerrard.

Bản thân Gerrard rơi vào sự hoảng loạn. Sau cú đỡ hụt, lông mày anh dựng đứng theo đường chân tóc. Đám đông ở Anfield cũng vậy. Quả bóng lúc này cách Gerrard chừng hai mét, với Demba Ba là năm mét. Nếu phải đặt cược trong bối cảnh đó, Gerrard vẫn sẽ là người thống trị.

Nỗi sợ hãi xâm lấn Gerrard, khiến anh tiếp tục mắc sai lầm còn tồi tệ hơn nữa: Nhoài người hết cỡ về phía trước với hy vọng sẽ làm chủ tình hình, giống như chân sau của con ngựa khi đang phi nước đại. Khuôn mặt ở góc 45 độ, trọng tâm Gerrard đang không ở tư thế đủ giúp anh đứng vững.

Trong khi Gerrard mất thăng bằng, Demba Ba chỉ còn cách trái bóng ba mét.

Anfield lúc này như thể một sân băng, còn “chiếc giày trượt băng” bên phải của Gerrard hầu như không cày xuống. Anh thấy mình như đang lơ lửng trong không trung. Rồi biến mất. Những chiếc đinh tán đã không thể giữ cho trọng lượng cơ thể Gerrard được thăng bằng. Anh trượt ngã. Cú trượt nghiệt ngã của định mệnh. Cú trượt đã đi vào lịch sử.

Demba Ba chỉ còn cách hai mét. Một mét. Tiền đạo của Chelsea nhận bóng, hay nói đúng hơn là nhận món quà bất thình lình từ Gerrard. Anfield – sân vận động có tiếng ồn thuộc hàng lớn nhất châu Âu – bỗng trở nên thinh lặng. Lúc này, chỉ có âm thanh phát ra từ đám đông CĐV Chelsea: “Cố lên!”. Ở những nơi khác, sự im lặng bao trùm.

Như những mũi tên đỏ, Sakho, Gerrard và Skrtel lao mình về phía Ba. Nhưng một nhịp, hai nhịp, ba nhịp. Vậy là đủ. Trước tai họa đang đổ về phía mình, thủ môn Simon Mignolet có một tình huống xử lý cơ bản: Băng lên thu hẹp khoảng cách và góc sút của đối thủ, đối mặt, cố gắng làm chủ không gian. Nhưng pha xử lý ấy đã không mang lại hiệu quả, nó không thể sửa chữa cho sai lầm của người đồng đội. Demba Ba đủ láu cá để đưa trái bóng vào giữa hai chân thủ môn người Bỉ.

“Tất cả hướng vào thủ môn của đội bóng và thầm ước: “Nào, hãy đánh bại cậu ta. Hãy biến bối cảnh này trở thành pha cứu thua định đoạt của mùa giải”” – trung vệ Jamie Carragher trách cứ Mignolet trong nhiều tháng sau đó. Nhưng, đã không có khoảnh khắc người hùng nào cả.

Gary Neville nhiều năm sau cũng tán đồng với sự chỉ trích nhắm vào Mignolet: “Tôi nghĩ rằng đó là cú dứt điểm nhẹ của Demba Ba, tôi không nhận thấy sự tự tin của tiền đạo này. Một bàn thua, nhưng thật ngạc nhiên không ai trách cứ Mignolet cho bàn thua đó”.

Chốt chặn cuối cùng Mignolet bị đánh bại, bóng cứ thế lững lờ lăn vào lưới trong sự bất lực của hàng vạn người. Trong sự hối hận muộn màng của Gerrard. Trong nỗ lực truy cản bất thành của các cầu thủ áo đỏ. Skrtel loạng choạng phi thân mình vào Demba Ba khi tiền đạo người Senegal đã bắt đầu di chuyển để ăn mừng. Trái bóng đã rời chân Ba trong một vài tích tắc trước đó.

Ba ăn mừng thành kính. Anh quỳ xuống, hôn lên thảm cỏ Anfield và nguyện cầu. Tất cả diễn ra nhanh đến nỗi, John Obi Mikel còn chưa kịp ăn mừng. Mohamed Salah – cầu thủ đang sắm vai người dẫn đường đưa Liverpool đến với những chiến thắng hôm nay, trớ trêu thay lại có mặt để ăn mừng cùng người đồng đội. Salah của ngày 27/4/2014 cũng đá chính, nhưng là trong màu áo xanh. Trong khi đó, Mourinho ăn mừng đầy tự mãn bên đường pitch. Đó là một bàn thắng có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cầm quân của “Người Đặc Biệt”. Mourinho đi vào lịch sử, là chứng nhân trong một giai thoại đắng cay của các liverpudlian.

“Đó là một Mourinho điển hình, một Chelsea điển hình” – Gary Neville nói về cách Demba Ba tận dụng cơ hội.

“Nhưng đó không phải là một Gerrard điển hình”, Martin Tyler tiếp lời.

Đó chỉ là một cú trượt ngã? Sự trượt dốc? Hay còn hơn thế nữa?

Chức vô địch được quyết định bởi sự tích lũy của hàng ngàn sự cố xảy ra trong một mùa giải. Đó có thể là chấn thương của một trụ cột – người không thể thay thế, một quyết định gây tranh cãi của trọng tài tạo ra bước ngoặt, bàn thắng ở phút cuối hay những cơ hội bị phung phí. Hầu hết đều bị lãng quên sau giây phút nhà vô địch đăng quang.

Kỳ thực, đâu ai nhớ những chi tiết nhỏ xảy ra trong suốt chín tháng của một mùa giải. Liệu bạn còn nhớ khoảnh khắc Dejan Lovren – khi ấy vẫn thuộc biên chế Southampton, may mắn thoát một quả penalty trong chiến thắng bất ngờ 1-0 của Southampton trước Liverpool vào tháng 9/2013? Hoặc sai lầm của thủ môn Vito Mannone giúp Samir Nasri giữ lại một điểm cho Man City trong trận hòa Sunderland? Không, chẳng ai nhắc về chúng nữa. Thế còn tình huống Kolo Toure phạm mắc sai lầm để Victor Anichebe gỡ hòa 1-1 cho West Brom, khiến Liverpool chậm bước tiến trong cuộc đua vô địch? Tất nhiên là không. Chỉ có Google lưu giữ những thông tin dạng đó vào bộ nhớ khổng lồ của mình.

Nhưng vượt trên tất cả, cú trượt chân của Gerrard đáng nhớ đến nỗi, nó có thể còn được nhắc đến sau hàng thế kỷ nữa. Thực ra, điều đó không công bằng với anh ấy. Chỉ hai tuần trước thôi, với chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Man City ở vòng 34 ngày 13/4/2014, Steve G còn là người hùng của thành phố cảng. Anh tập hợp các đồng đội, với những lời diễn thuyết hùng hồn. Khi ấy, Gerrard đã không thể kìm nén những giọt nước mắt của sự hạnh phúc. Người đội trưởng Liverpool đã khóc để ăn mừng chức-vô-địch-dự-kiến.

“Giờ không phải thời điểm để mắc lỗi. Chúng ta không được mắc bất cứ lỗi lầm nào. Nghe đây! Nghe đây! Trận đấu này kết thúc rồi. Đừng để niềm vui kéo dài tới ngày mai, chúng ta phải bước tiếp. Chúng ta sẽ tới Norwich với tinh thần như vậy. Chúng ta sẽ luôn sát cánh bên nhau. Cố lên!”, đó là những gì Gerrard đã nói với các đồng đội. Và sau đó, anh khóc. Chức vô địch đã ở gần Gerrard hơn bao giờ hết. Đó có thể là phần thưởng cho một đời cống hiến tận tụy, cho những nỗ lực tưởng chừng không bao giờ ngừng nghỉ của Steve G.

Gerrard nói chuyện với đồng đội sau trận thắng Man City

Trớ trêu thay, chỉ hai tuần sau, chính Gerrard là người mắc lỗi không thể sửa chữa. Gerrard nhắc nhở các đồng đội, nhưng anh quên nhắc nhở chính mình.

“Tôi ước có thể quay lại ngày hôm đó (chiến thắng 3-2 trước Man City ngày 13/4)”, phải mất ba năm để Gerrard có thể giãi bày về những gì đã xảy ra ở mùa giải điên rồ đó. “Nếu có thể vặn ngược giây cót đồng hồ, tôi sẽ chọn quay lại ngày hôm đó, cố gắng giữ bình tĩnh để nhìn nhận lại toàn bộ bối cảnh”, anh nói.

“Đó là những khoảnh khắc của niềm đam mê bất tận, của cảm xúc thăng hoa chi phối và nó thậm chí hiện hữu như thể có thể chạm đến. Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng mình cần làm như vậy. Nhưng bây giờ nhìn lại, có lẽ tôi sẽ bình tĩnh hơn và nhận ra rằng mùa giải sẽ chỉ kết thúc ở vòng 38, không phải 34 và chúng tôi cần thi đấu cho đến khi tất cả dừng lại”.

Sau chiến thắng ở vòng 34, Liverpool đã nhiều hơn Man City bảy điểm, dù rằng đội bóng thành Manchester thi đấu ít hơn hai trận. Man City bị Sunderland cầm hòa ở một trong hai trận đó, còn Liverpool đánh bại Norwich. Khoảng cách chỉ vơi bớt sau khi Man City hạ West Brom.

14h05 chiều trước khi bước vào trận đấu với Chelsea, Liverpool đạt sáu điểm nhiều hơn đối thủ chính Man City, dù rằng đội bóng của HLV Manuel Pellegrini thi đấu ít hơn một trận. Đến 19h, khoảng cách ấy chỉ còn là ba, bởi Man City thắng Crystal Palace 2-0. Và họ vẫn còn một trận chưa đấu nữa.

Man City sau đó đã thắng trận đá bù – hay nói đúng hơn là toàn thắng cả ba trận cuối mùa, để giành chức vô địch với hai điểm nhiều hơn Liverpool. Từ cú trượt ngã của Gerrard ở Anfield, Liverpool trượt ngã thêm một lần nữa ở Selhurst Park.

Vòng 37, ngày 5/5/2014. “Lữ đoàn đỏ” đã dẫn trước đội chủ nhà Crystal Palace 3-0 đến phút 78, trước khi Delaney (phút 79) và Gayle (phút 81 và 88) cùng nhau viết nên một câu chuyện kinh dị pha lẫn kịch tính cho người Merseyside. Luis Suarez giấu mình trong vạt áo. Tiền đạo người Uruguay đã khóc, khóc rất nhiều, nhưng không phải là những giọt nước mắt hạnh phúc như Gerrard của trận thắng Man City. Đó là vị mặn mòi cay đắng, là thực tế phũ phàng không thể thay đổi: Liverpool đã đánh mất tất cả, bắt đầu từ cú trượt ngã của Gerrard.

“Đó là ngày nặng nề nhất cuộc đời tôi, cho đến bây giờ vẫn vậy”, vẫn là Gerrard trong cuộc phỏng vấn năm 2017. Anh nói thêm: “Bất kỳ điều gì xảy đến với tôi cho đến ngày từ biệt cõi đời, đó luôn là ngày tồi tệ nhất cuộc đời. Và tôi không thể gạt nó ra khỏi tâm trí. Tôi đã có một khoảng thời gian khốn khó rất dài sau hôm đó”.

Sau cú trượt chân, không ai nỗ lực nhiều hơn Gerrard để kéo Liverpool trở lại với cuộc đua vô địch. Nhưng bản thân Gerrard của thời điểm ấy cũng không còn là chính mình nữa, và những nỗ lực không bao giờ đủ.

Bạn có thể hiểu được diễn biến tâm lý của Gerrard trước thời điểm mắc sai lầm. Anh muốn tạo ra sự khác biệt từ một pha xử lý táo bạo. Nhưng Steve G – chỉ trong một tích tắc, lại không hiểu được tầm quan trọng của những đường chuyền lặp đi lặp lại tưởng chừng nhàm chán ấy. Trước khi nghĩ về chiến thắng, anh quên mất một nguyên tắc là phải không được để thua!

“Tôi chưa bao giờ có thể chia sẻ điều này với công chúng, nhưng ở lúc ấy, chúng tôi đã thực sự nghĩ rằng Liverpool có thể thổi bay Chelsea. Tôi đã quá tin tưởng vào hệ thống của Brendan (Rodgers). Chúng tôi đã rơi vào cái bẫy của Chelsea. Tôi đã lo sợ về điều đó, và nó đã thực sự xảy ra”, Gerrard đã chia sẻ như thế trong cuốn tự truyện “My story” phát hành năm 2015, như một cách để bào chữa cho sai lầm của bản thân.

Năm 2018, HLV Rodgers đáp lại những thông điệp ngầm đổ lỗi đến từ cậu học trò cũ: “Chúng tôi đã thắng 11 trận liên tiếp với hệ thống đó. Chúng tôi có quyền tự tin. Bạn phải cho thấy sự tự tin khi ở trong hệ thống ấy”.

Trước Gerrard, thế giới bóng đá từng chứng kiến nhiều cú trượt chân tương tự. John Terry cũng đã sống trong cảm giác tội lỗi nhiều năm với cú trượt chân trong đêm mưa ở Luzhniki. Vì cú mất trụ trong loạt luân lưu với Man Utd ở chung kết Champions League 2008, Chelsea lỡ cơ hội lần đầu tiên chạm tay đến chiếc Cúp. Chỉ có điều, Terry sai nhưng các đồng đội đã giúp anh sửa bằng chức vô địch Champions League năm năm sau đó. Còn với Gerrard thì không.

Bản thân Gerrard vô địch Champions League tương đối sớm, năm 25 tuổi với cú ngược dòng Istanbul huyền thoại (thắng Milan dù bị dẫn 0-3 trong hiệp một). Nhưng chức vô địch Ngoại hạng Anh mà Gerrard cả một đời tìm kiếm trong suốt sự nghiệp cầu thủ tài danh, anh đã không bao giờ tìm thấy. Cũng bởi thế, thay vì Liverpool kết thúc chuỗi 24 năm không vô địch nước Anh bằng chiến tích 2013-2014, thì con số này cứ nối dài ở những năm sau đó. 25, 26, 27 rồi 28, 29. Ngay cả ở mùa giải 2019-2020 hiện tại, những tưởng Liverpool sẽ kết thúc chuỗi ba thập kỷ khổ đau, thì đại dịch Covid-19 cũng đang khiến người Merseyside sống trong nỗi bất an rằng kết quả của mùa giải này sẽ bị hủy bỏ.

Gerrard thừa nhận cú trượt chân năm 2014 là khoảnh khắc tồi tệ nhất đời anh. 

Với Gerrard, khỏi phải nói về nỗi khổ đau mà anh phải gánh chịu những ngày, tháng, năm sau. Người thủ lĩnh của “Lữ đoàn đỏ” nói trong cuốn tự truyện: “Ngồi trên xe, tôi tự cảm thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mình. Ngày mùa giải hạ màn, tôi đã khóc đến nỗi không thể ngừng lại trên đường về nhà. Những con đường nêm đặc xe cộ và những người qua đường, nhưng tất cả với tôi chỉ là sự trống rỗng. Nó như một cõi hư vô vậy. Tôi cảm thấy mọi thứ như tê liệt. Nỗi đau ấy đủ lớn để tôi cảm thấy như vừa mất đi một người thân. Cứ như thể cả phần tư thế kỷ của tôi ở đội bóng này tuôn ra bằng những giọt nước mắt”.

Không chỉ là nỗi đau trong tâm tưởng, Gerrard còn hứng chịu mọi sự rè bỉu, chế nhạo trong nhiều năm sau đó. Khoảng bảy tháng sau, một con ngựa đua có tên Gerrard’s Slip (Cú trượt ngã của Gerrard) sải vó ở trường đua ngựa Doncaster. Và cho đến hôm nay, Gerrard với cú trượt ngã định mệnh ngày 27/4/2014 vẫn là đề tài để các CĐV của kẻ thù Man Utd chế giễu, hả hê trong sự thù địch tưởng chừng bất tận giữa hai CLB.

Quang Minh (theo Sky Sports)

=> Xem thêm: Tin Thể Thao 24/7


  Thông tin thêm  

Nhà cái V9bet tặng ngay 100.000 VND chơi đánh bài trực tuyến ăn tiền, xổ số, slot, đánh bài free khi bạn đăng ký tài khoản thành công. Thắng chắc cú 100% được phép rút tiền mặt về các tài khoản ngân hàng của bạn.

Link đăng ký V9bet nhận 100.000 VND free

   –     – 

About Author


v9bet