Maradona và thiên tình sử với Napoli


Bất chấp nhiều sóng gió, bảy năm gắn bó giữa họ là bảy năm huy hoàng trong đời Diego Maradona, cũng như lịch sử Napoli.

Nơi tình yêu bắt đầu

Vào ngày hè nắng chói chang 5/7/1984, Diego Armando Maradona trình làng với tư cách tân binh Napoli. Bản hợp đồng kỷ lục thế giới trị giá 6,9 triệu bảng này đến sân San Paolo bằng máy bay trực thăng, trong sự phấn khích của hơn 70.000 khán giả đã trả tiền để được thấy Maradona bằng xương bằng thịt. Sự huyên náo trên khán đài cho thấy Napoli khao khát một “Đấng cứu thế” đến nhường nào.

Trong quá trình đàm phán dài đằng đẵng với Barca, có những CĐV Napoli đã tuyệt thực để đòi đội bóng mua bằng được Maradona. Một người thậm chí còn tự xích vào hàng rào sân San Paolo để gây sức ép lên ban lãnh đạo. Khi vụ chuyển nhượng hoàn thành, một tờ báo địa phương viết: “Không có thị trưởng, nhà cửa, trường học, xe buýt, công ăn việc làm và vệ sinh… cũng chẳng sao, bởi chúng ta đã có Maradona!”.

Napoli muốn chiêu mộ Maradona từ 1979, nhưng khi ấy chàng trai trẻ này hầu như chẳng biết gì về điểm đến tương lai. Ông hồi tưởng: “Với tôi, Napoli chẳng có ý nghĩa gì hơn một thứ gì đó của Italy, như bánh pizza”. Trong khi đó, sẽ khó tả bằng lời sự khao khát của Napoli với Maradona. Đội bóng này đại diện cho thành phố lớn thứ ba Italy nhưng chưa từng vô địch Serie A kể từ khi được thành lập năm 1926. Họ là á quân các năm 1968 và 1975, nhưng những khoản đầu tư hạng nặng chưa bao giờ mang lại cho họ scudetto – thứ mà các kình địch miền Bắc như Juventus, AC Milan và Inter liên tục chiếm hữu. Phòng truyền thống của họ, tính tới trước khi Maradona xuất hiện, chỉ gồm hai chiếc Cup Italy các năm 1962 và 1976. Kể từ năm 1981, Napoli lần lượt kết thúc Serie A tại các vị trí thứ 3, 4, 10 và 12.

Những pha bóng đặc sắc của Maradona ở Napoli

Năm 1984 ấy, Serie A mới có 16 đội và ba đột bét bảng sẽ xuống hạng. Chọn đầu quân cho Napoli khi đó đồng nghĩa với việc Maradona chọn gia nhập một đội bóng chỉ hơn nhóm xuống hạng đúng một điểm! Nhưng chàng trai 23 tuổi cần một khởi đầu mới sau quãng thời gian đáng quên tại Barca. Năm 1982, ông tới xứ Catalonia từ Boca Juniors với tư cách cầu thủ xuất sắc và đắt nhất thế giới. Nhưng những chấn thương và bất đồng đã hủy hoại thời gian của ông tại Barca. Tháng 9/1983, Maradona bị “gã đồ tể Bilbao” Andoni Goikoetxea triệt hạ đến mức phải gắn hai đinh vít vào cổ chân và ngồi ngoài ba tháng. Tới trận chung kết Cup Nhà Vua tại sân Santiago Bernabeu, Maradona nổi khùng và khởi đầu cuộc ẩu đả với các cầu thủ Bilbao.

Hành động xấu xí kể trên diễn ra ngay trước mắt Vua Juan Carlos trên khán đài và được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu khán giả. Chủ tịch Jose Luis Nunez không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán Maradona, bất chấp tài nghệ tuyệt luân của ông. Juventus tỏ ý quan tâm, nhưng Napoli là thách thức lớn hơn về mặt thể thao với Maradona. Ngoài ra, lợi ích về tài chính khi gia nhập Napoli cũng hấp dẫn hơn, với 15% khoản tiền chuyển nhượng được trích cho Maradona. Tuy nhiên, thói ăn chơi trác táng khiến khoản nợ của Maradona lớn đến mức ông chẳng nhận được một xu lót tay nào.

Maradona như ông hoàng đến nàng lọ lem Napoli. Ảnh: PA.

Khi Maradona đến Italy, ông xem Napoli chẳng khác một đội Serie B. Giây phút Maradona nghe tới lịch sử và nguy cơ rớt hạng của đội bóng, ông đã… trót ký hợp đồng rồi. Tại lễ ra mắt, Maradona bước ra đường hầm trong chiếc áo phông trắng, áo khoác thể thao xanh da trời và đeo khăn quàng Napoli. Ông vẫy tay, cười với đám đông và tâng bóng trước khi thả một chùm bóng bay lên trời. Đám đông như muốn phát cuồng, với một bài hát được sáng tác riêng kêu gọi Maradona hãy dẫn đường chỉ lối cho đội bóng.

Sau 15 phút trình diễn, Maradona rời sân để kịp chuyến bay về Buenos Aires. Ông cảm thấy hai chân mình run rẩy khi đi xuống cầu thang và ôm chầm lấy bạn gái Claudia Villafane khóc nức nở. Ông hồi tưởng trong cuốn tự truyện El Diego: “Mọi thứ thật cuồng nhiệt và chúng tôi lập tức hiểu rằng mình đang bắt đầu lại từ đầu và đánh cược mạng sống. Chúng tôi làm điều đó tại một thành phố rất ý nghĩa với tôi. Những lời tôi nói với cánh phóng viên là những lời gan ruột: ‘Tôi muốn trở thành thần tượng của những đứa trẻ nghèo tại Naples, bởi chúng cũng như tôi thời còn sống ở Buenos Aires”.

Vị Thánh sống của Naples

Khởi đầu của Maradona tại Napoli là một thảm họa. Dưới trướng HLV Rino Marchesi, đội bóng chỉ thu về chín điểm từ 13 trận trước Giáng sinh (khi đó mỗi trận thắng chỉ được tính hai điểm). Thập niên 1980 là giai đoạn cực thịnh của Calcio: Juventus có Michel Platini và Giovanni Trapattoni, Milan chuẩn bị được Silvio Berlusconi mua lại và mang về Arrigo Sacchi. Inter sẽ có Giuseppe Bergomi, Alessandro Altobelli, Karl-Heinz Rummenigge và Lothar Matthaus.

Từ năm 1982 tới 1990, tám trong số chín Quả Bóng Vàng châu Âu chơi bóng tại Serie A: Paolo Rossi (1982), Platini (1983-1985), Ruud Gullit (1987), Marco van Basten (1988-1989) và Matthaus (1990). Ngoại lệ là Igor Belanov của năm 1986, nhưng danh thủ người Ukraine nhận giải vì quy định chỉ tôn vinh cầu thủ châu Âu của tạp chí France Football. Nếu công bằng, người đoạt giải năm 1986 phải là Maradona với chiến tích đưa Argentina lần thứ hai vô địch thế giới.

Thành tích bết bát của Napoli khiến Maradona “cương quyết không mở miệng bàn về đội bóng” khi trở về Buenos Aires nghỉ đông. Trước khi về, ông tham gia một cuộc họp báo cùng Chủ tịch CLB Corrado Ferlaino. Nhiều câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào Napoli đủ tiền cho bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá. Các phóng viên nghi ngờ sự dính líu của băng mafia địa phương Camorrra. Theo cây bút Jimmy Burns, Napoli kỳ vọng lượng vé bán ra tăng gấp ba, trong khi bán vé chợ đen là nghề của mafia. Ngay cả Maradona cũng nhận ra điều này, nhưng chẳng ai dám công khai bàn tán. Khi một phóng viên người Pháp đứng dậy hỏi Maradona có biết vụ chuyển nhượng được hậu thuẫn bởi mafia hay không, Chủ tịch Ferlaino coi đây là “sự xúc phạm với thành phố trung thực Naples” và cho bảo vệ đưa phóng viên này khỏi phòng họp.

Maradona trong buổi tập đầu tiên cùng các đồng đội mới Napoli ngày 27/7/1984. Ảnh: PA.

Sau kỳ nghỉ, mọi thứ bắt đầu khởi sắc sau chiến thắng 4-3 trước Udinese trong tháng Một. Napoli chỉ nhận thêm một trận thua kể từ đó tới cuối mùa, trong khi Maradona ghi tới 14 bàn – chỉ xếp sau Altobelli và Platini trong danh sách Vua phá lưới. Nhưng vị trí thứ tám chung cuộc không làm Maradona hài lòng. Vào mùa hè, Maradona ra yêu sách với Ferlaino: sẽ ra đi trừ khi CLB chịu tăng cường đội hình. Nghe qua có vẻ dũng cảm, nhưng Maradona thừa biết mình được coi như một vị Thánh sống tại Naples, và Ferlaino không có gan bán ông.

Ông thậm chí còn hướng dẫn Chủ tịch: “Hãy mua thêm ba, bốn cầu thủ và bán những ai bị khán giả la ó. Hãy để những tiếng huýt sáo làm thước đo. Nếu tôi chuyền bóng cho một cầu thủ và gã đó bị huýt sáo thì ‘bye bye’. Nếu không làm được thì cứ bán tôi đi, vì tôi không thể tiếp tục ở lại như thế này”.

Maradona nhận được những gì mình muốn như một đứa trẻ tại tiệm đồ chơi. Những “món đồ chơi” này đều là những cầu thủ chất lượng: Claudio Garella, Alessandro Renica, trong khi Ciro Ferrara được đôn lên từ đội trẻ. Maradona viết trong hồi ký: “Tôi đã khởi đầu một thời đại mới tại Napoli và khiến người ta tôn trọng đội bóng. Trước khi tôi đến, Paolo Rossi từng từ chối gia nhập Napoli vì cho rằng đó không phải thành phố phù hợp với anh ta, vì đám mafia. Sự thật là trước khi tôi đến, chẳng ai muốn tới Napoli”.

Tân binh hay nhất là Bruno Giordano. Vào hè 1985, người ta kỳ vọng một đội bóng như Napoli sẽ chiêu mộ cầu thủ dựa trên đánh giá của tuyển trạch viên và ý kiến của HLV. Nhưng sự thật không phải vậy. Giordano được mua về chỉ vì tạo được ấn tượng cho Maradona khi Napoli đối đầu Lazio. Khi hai đội đàm phán, Lazio muốn nhận 3 triệu USD. Khoản tiền này khiến Ferlaino tới gặp Maradona và “khóc lóc, than vãn về việc mình không có tiền”. Maradona trả lời dửng dưng: “Cứ cố mà làm đi, ông già”.

Cũng trong hè đó, Napoli bổ nhiệm HLV Ottavio Bianchi. Người đàn ông từ Brescia này nhanh chóng bị Maradona ghét bỏ. Anh mô tả: “Ông ta khó tính, chẳng có tí Latin nào mà giống dân Đức hơn. Đố ai cậy được miệng bắt ông ấy cười”.

Đoạn hội thoại sau mô tả chính xác mối quan hệ giữa hai người:

Bianchi: “Diego, tôi muốn cậu tập bài tập này”.

Maradona: “Bài nào thế?”

Bianchi: “Tôi sẽ ném bóng còn cậu cố xoạc để lấy bóng, tập bằng cả hai chân”. Maradona: “Tôi không đời nào làm thế cả. Tôi chỉ chạm đất khi đối phương phạm lỗi mà thôi”.

Bianchi: “Ồ, vậy chúng ta sẽ có vấn đề với nhau suốt cả năm đấy”.

Maradona: “OK. Vậy thì ông sẽ là người phải đi”.

Có khúc mắc, nhưng Maradona và Bianchi vẫn nhìn chung hướng, và giúp Napoli dần bay cao.

Trong mùa giải đầu tiên Bianchi dẫn dắt, Napoli xếp ở vị trí thứ ba. Mùa hè năm 1986 – sau khi Argentina vô địch thế giới nhờ đại công của Maradona – Napoli chiêu mộ thêm Fernando De Napoli, Francesco Romano và Andrea Carnevale. Lúc này, danh tiếng Maradona đã như Chúa trời ở Naples và những scandal bắt đầu xuất hiện dày đặc bởi cuộc sống vương giả với những bữa tiệc cùng xã hội đen, phụ nữ, rượu, xe hơi và cả ma túy.

Tháng 9/1986, cô gái trẻ Cristiana Sinagra hạ sinh một bé trai và khẳng định đó là con của Maradona, trong khi cầu thủ này một mực phủ nhận. Cô quyết định đặt tên con là Diego Armando, một hành động báo giới cho rằng “chẳng khác gì đặt tên con là Jesus Christ” tại Naples. Tới năm 1993, một phán quyết của tòa án xác nhận Maradona đúng là cha đứa trẻ.

Ngoài mối tình vụng trộm, Maradona còn nghiện ma túy và được Napoli làm ngơ, thậm chí dung túng. Theo tác giả John Foot của cuốn Calcio: A History of Italian Football, Napoli thậm chí còn tráo mẫu thử nước tiểu của Maradona và dư luận không hề hay biết. Maradona thậm chí còn từng lên radio để ủng hộ một phong trào… chống ma túy. Ông khẳng định: “Nếu những lời nói của tôi về tác hại của ma túy có thể giúp cứu dù chỉ một người thôi, nó cũng sẽ ý nghĩa hơn cả 100 bàn thắng cho Napoli!”.

Tình yêu của dân Naples dành cho Maradona lớn đến mức không thể tả bằng lời cho những người ngoài cuộc. Dân địa phương cảm thấy gần gũi với bản tính nổi loạn và xuất thân nghèo khó của Maradona. John Foot ước tính 86% khán giả tại San Paolo mua vé cả mùa khi Maradona chơi bóng tại đây, và 25% trẻ em mới chào đời được đặt tên “Diego”. Maradona chẳng thể đi dạo trên đường, như chính ông tự thuật: “Tôi không thể đi mua một đôi giày bởi chỉ năm phút sau, cửa kính cửa hàng sẽ vỡ tan với cả ngàn người đổ về”.

Ngay cả giới nhà báo cũng không thể giữ nổi sự trung lập. Cây viết Agnew hồi tưởng về ký ức sau chiến thắng 2-1 của Napoli trước Como năm 1986: “Khi Maradona tới, tất cả những phóng viên xung quanh tôi như thể bị kích động, chen lấn xô đẩy để tiến gần về phía anh ta. Không phải để đưa micro cho Maradona trả lời hay đặt câu hỏi, mà chỉ đơn thuần để bắt tay, ôm hay thậm chí hôn anh ấy”.

Sự cuồng si ấy hoàn toàn có thể hiểu được. Những khán giả hiện đại ngày nay vẫn có thể nổi da gà khi xem lại những băng hình Maradona thời Napoli. Những bàn thắng thật ngoạn mục: từ bấm bóng, độc diễn cho tới sút phạt cong như trái chuối. Maradona có thể ghi bàn từ mọi tư thế: một cú vô-lê từ hơn 30 mét, một pha dứt điểm khi đã nằm đất và thậm chí từ chấm phạt góc. Maradona giữ trọng tâm tốt tới mức các hậu vệ gặp khó ngay từ việc phạm lỗi. Ông còn là một người dũng cảm, sẵn sàng đánh đầu chỉ cách mặt đất 20 cm hay rê bóng thẳng vào những mảng sân đầy bùn đất với những gã tiều phu chờ sẵn.

Maradona biến Napoli thành kẻ thách thức từ phương Nam trước sự thống trị của các đại gia phương Bắc trong bóng đá Italy nửa cuối những năm 1980.

Hậu vệ huyền thoại Franco Baresi khẳng định: “Chúng tôi phải chơi bóng có tổ chức, gây sức ép và tăng gấp hai, gấp ba số người kèm chỉ để giới hạn tài năng của anh ấy. Bởi nếu chỉ có một đấu một với Maradona, bạn cầm chắc phần thua”.

Những chức vô địch

Với niềm cảm hứng Maradona, Napoli thắng như chẻ tre. Trước mùa giải 1986-1987, các đội bóng miền Bắc Italy chỉ để lọt bốn chức vô địch Serie A. Những ngoại lệ bao gồm Cagliari (1970), Lazio (1974) và Roma (1942, 1983). Ngày 10/5/1987, Napoli chỉ cần duy nhất một điểm trước Fiorentina tại San Paolo để đoạt scudetto đầu tiên trong lịch sử.

Sự phấn khích rất khó diễn tả. Theo Agnew, một nhân viên bán cá có tên Giuseppe bị chủ cửa hàng yêu cầu mặc áo Maradona nguyên cả tuần trước khi trận đấu quyết định diễn ra. Khi từ chối yêu cầu này, anh… bị sa thải. Tại những cửa hàng, một lời cầu nguyện bắt đầu được lan truyền. Trong đó, Napoli là Vương quốc, còn Maradona là Đấng tối cao mà các con chiên hướng về.

Chung cuộc, Napoli hòa 1-1. Cả sân vận động San Paolo phát cuồng vì chức vô địch. Chủ tịch Ferlaino được công kênh như một ông hoàng, trong khi Maradona bị vây đến nghẹt thở. Khi về phòng thay đồ, ông cởi trần và giật micro của phóng viên để giả vờ phỏng vấn các đồng đội. Ông khẳng định scudetto này là “không thể sánh bằng”, kể cả với chức vô địch World Cup 1986. Maradona viết trong hồi ký sau này: “Chúng tôi đã xây nên Napoli từ đống hoang tàn. Scudetto này thuộc về cả thành phố và người dân bắt đầu nhận ra chẳng việc gì phải sợ. Vinh quang thuộc về những người chiến đấu nhiều nhất, khao khát nhiều nhất chứ không phải những kẻ có nhiều tiền nhất. Tôi là thuyền trưởng của con tàu, là lá cờ đầu. Họ có thể đùa giỡn với ai chứ tôi thì không, đơn giản vậy thôi”.

Trong bữa tiệc bất tận, Maradona nhận mình là một đứa con của Naples. Trong khi đó, hàng chục ngàn người đổ ra lấp đầy những con phố. Cuốn The Ball is Round ghi nhận “những bữa tiệc đường phố diễn ra khắp thành phố trong suốt một tuần”, trong khi John Foot khẳng định chức vô địch Serie A của Napoli là “màn ăn mừng lớn nhất lịch sử bóng đá Italy”. Xe buýt bị chặn đường, trong khi những mái tóc xoăn giả giống Maradona bán đắt như tôm tươi.

Maradona mừng scudetto năm 1987 cùng Napoli.

CĐV Napoli làm những đám tang giả có đầy đủ quan tài và điếu văn cho… Juventus và Milan. Trong cuộc bầu cử địa phương, hơn 20.000 lá phiếu bị tính là vô giá trị do người bầu ghi dòng chữ “Viva Maradona”. Trên những bức tường nghĩa trang địa phương, ai đó đã viết: “Quý vị không biết mình đang bỏ lỡ những gì đâu!”.

Sau chức vô địch, người đại diện mới Guillermo Coppola cố thương thảo cho Maradona một bản hợp đồng mới, thay thế bản hợp đồng gốc có giá trị tới năm 1989. Chủ tịch Ferlaino có phần do dự, trong khi ông chủ Silvio Berlusconi của Milan thể hiện rõ sự ngưỡng mộ Maradona. Nhưng cầu thủ người Argentina không tin về một vụ chuyển nhượng: “Thẳm sâu trong tim, tôi biết rằng mình không thể chơi cho đội bóng Italy nào ngoài Napoli. Bởi người hâm mộ xứ Naples sẽ giết tôi và bất cứ ai mua tôi”. Ông nói thẳng với Berlusconi: “Nếu vụ này trót lọt, cả hai ta đều sẽ phải rời Italy. Anh sẽ mất việc làm ăn, vì dân Naples sẽ phá đám anh hàng ngày. Tôi có khi còn chẳng sống nổi”.

Tới đầu tháng 11, khi Napoi đến Milan để chuẩn bị cho trận đấu với Como, Coppola âm thầm đến dinh thự của Berlusconi. Milan ngỏ ý muốn Maradona khi anh hết hạn hợp đồng với Napoli và đề nghị tăng gấp đôi lương cho Maradona mà không cần hỏi mức lương hiện tại. Một nhà báo là bạn thân của Maradona đăng tải câu chuyện trên và mọi yêu sách từ phía Maradona được Napoli chấp nhận ngay trong ngày. Những phúc lợi Maradona nhận được cao gấp ba lần ban đầu, và ông thậm chí còn được tặng những chiếc xe hàng độc chưa từng có mặt trên thị trường.

Mùa giải 1987-1988 được xem như một trong những mùa hay nhất của Maradona. Ông cống hiến tất cả, dù đôi lúc cảm thấy kiệt sức do liên tục bị chơi xấu và không được nghỉ ngơi. Để có thể vào sân đều đặn, Maradona cần tới sự trợ giúp của những bác sĩ, thuốc giảm đau và cả ma túy. Ông trở thành Vua phá lưới với 15 bàn và tạo thành bộ ba tấn công tuyệt hay cùng Giordano và Careca.

Maradona quan trọng tới mức Bianchi cho phép siêu sao này tự do theo ý muốn. Trong những tuần bình thường, Maradona chỉ tập đầy đủ ba buổi. Vào các ngày thứ Sáu, ông sẽ tập đá phạt và đi mát-xa. Về cuối mùa giải, Napoli bị Milan qua mặt, dù từng dẫn với khoảng cách năm điểm khi chỉ còn năm trận đấu. Nhiều cầu thủ đổ lỗi cho Bianchi và bốn người Moreno Ferrario, Salvatore Bagni, Garella và Giordano thậm chí còn kêu gọi sa thải ông. Nhưng rốt cuộc Bianchi lại được gia hạn hợp đồng và khiến Maradona tức điên.

Trong tự truyện, Maradona phẫn nộ vì “người ta đã khiến Bianchi thành một người to hơn cả Maradona”. Cầu thủ số 10 tự xem mình là siêu sao, đội trưởng, HLV, Giám đốc Kỹ thuật kiêm Chủ tịch của Napoli. Ông viết: “Tôi cảm thấy như ăn một cú trời giáng. Họ ghi công HLV vì mọi thứ chúng tôi giành được. Họ quên đi rất nhanh. Tôi là người đến đây trước ông ta, là người chiến đấu chống trụ hạng, đấu tranh với Ferlaino, bắt ông ta mua những cầu thủ mới…”.

Maradona từng muốn rời Napoli vì chán chường và lo sợ.

Việc để mất chức vô địch khiến nhiều người nghi ngờ sự can thiệp của Camorra. Băng mafia này tổ chức cá độ trái phép và nhiều người dân Naples đã đặt niềm tin vào đội bóng con cưng sau chức vô địch đầu tiên. Nếu Napoli vô địch lần thứ hai liên tiếp, băng Camorra sẽ mất một gia tài. Maradona đưa vợ con về Buenos Aires để phòng bất trắc và thất vọng khi trở lại vì vẫn thấy Bianchi còn ở đó.

Bộ tứ công khai chống đối đã bị bán, khiến Maradona nghiêm túc nghĩ về việc ra đi. Ông chủ Bernard Tapie – người sẽ đi tù sau đó vài năm vì tội hối lộ – ngỏ ý muốn đưa Maradona về Marseille. Pháp là một nơi yên bình hơn Italy và mùa đông kéo dài đồng nghĩa với một kỳ nghỉ ở quê nhà Argentina. Nhưng Maradona hiểu rằng phi vụ này khó xảy ra, bởi bất cứ ai để anh rời Napoli đều sẽ không bao giờ được tha thứ.

Khi Napoli gặp Bayern tháng 4/1989 tại bán kết Cup UEFA, Ferlaino hứa với Maradona sẽ để ông tới Marseille, nếu họ đoạt Cup. Tuy nhiên khi Napoli đánh bại Stuttgart trong trận chung kết, vị Chủ tịch lại bẻ kèo, và muốn Maradona tuân thủ hợp đồng. Câu thì thầm của Ferlaino khiến Maradona “muốn đập thẳng chiếc cúp vào đầu ông chủ”. Ông cảm thấy bị phản bội, trong khi người thân bị CĐV Napoli la ó sau vì đội bóng về nhì tại Serie A.

Maradona đe dọa về việc rời đội bóng và suýt rời thật, sau khi báo chí đăng tải hình chụp ông cùng trùm mafia Carmine Giuliano. Với Maradona, giao du với xã hội đen là một trải nghiệm tuyệt vời và “vô tội”. Trong khi đó, búa rìu dư luận lại cáo buộc ông tham gia đường dây buôn ma túy. Những cáo buộc nghiêm trọng tới mức Maradona trốn về Argentina trong một thời gian dài và chỉ trở lại Naples vào tháng 9/1989, khi mùa giải đã diễn ra được bốn vòng.

Dấu ấn đầu tiên ông để lại là một cú sút phạt đền thất bại trên sân nhà trước Fiorentina. Nhưng không một CĐV nào la ó. Mối bất hòa giữa Maradona và CĐV chấm dứt khi ông tha thứ cho người hâm mộ, song ông vẫn nuôi mối hận với Ferlaino vì đã không bảo vệ anh. Mùa giải 1989-90 ghi nhận Maradona càng đá càng hay. HLV Bianchi đã bị thay thế bởi Alberto Bigon – người hòa hợp với Maradona hơn.

Cuộc đua song mã giữa Napoli và Milan chứng kiến bước ngoặt vào tháng 4/1990. Trong trận Napoli gặp Atalanta, cầu thủ Alemao của đội khách bất ngờ gục ngã sau khi bị ném một đồng xu từ trên khán đài. Khi đó, tỷ số đang là 0 – 0 và chỉ còn 15 phút là hết trận. Bác sĩ Salvatore Carmando nhanh chóng chạy ra và đưa Alemao khỏi sân. Anh được đưa tới bệnh viện và được đích thân chủ tịch Ferlaino tới thăm hỏi. Trong cuộc họp báo sau đó, Ferlaino tuyên bố Alemao bị choáng tới mức không thể nhận ra ông và đề nghị Liên đoàn Bóng đá Italy (FIGC) trừng phạt Atalanta bằng cách xử Napoli thắng trận. Vài ngày sau đó, Napoli được xử thắng 2-0.

Phán quyết trên khiến Milan phản đối kịch liệt. Họ thuê chuyên gia đọc khẩu hình và phát hiện ra bác sĩ Carmando đã dặn Alemao “Cứ nằm im”. Khi chuyển tới Atalanta vài năm sau, Alemao thừa nhận anh đã “diễn sâu”. Cảm giác bất công của Milan được tăng lên gấp bội sau thất bại 2-1 dưới tay Verona, trong đó phía Milan bị đuổi từ HLV Sacchi tới các trụ cột Van Basten, Frank Rijkaard và Alessandro Costacurta.

Cuối mùa, Napoli vô địch nhờ xếp trên Milan đúng hai điểm. Maradona là người sung sướng nhất. Mới chỉ 10 tháng trước đó, ông còn bị gọi là “thằng mafia” và “kẻ nghiện ngập”. Khi được một phóng viên hỏi rằng liệu chức vô địch của Napoli có kém long lanh vì những điều tiếng hay không, Maradona trả lời: “Thắng thế này mới sướng!”.

Maradona cùng các đồng đội mừng scudetto thứ hai trong ba năm, vào ngày 29/4/1990.

Scudetto thứ hai giúp Maradona trở lại vị thế Thánh sống tại Napoli, nhưng đồng thời cũng khiến ông trở thành kẻ thù trong mắt phần còn lại của bóng đá Italy, nhất là miền Bắc – nơi có Juventus, Inter và cả AC Milan. Khi World Cup diễn ra tại Italy hè 1990, Maradona bị những khán đài la ó. Trong trận bán kết gặp Italy diễn ra tại chính Naples, Maradona kêu gọi CĐV bản địa cổ vũ Argentina. Người hâm mộ địa phương vẫn cổ vũ Italy, nhưng tôn trọng Argentina vì người hùng của họ.

Argentina đánh bại chủ nhà Italy tại bán kết nhờ luân lưu, trước khi thất bại trong trận chung kết với Tây Đức. Đó cũng là đỉnh cao cuối cùng của Maradona. Mùa giải 1990-1991 ghi nhận việc ông thừa cân, bất trị trên sân cỏ và xuống dốc không phanh. Vào tháng 3/1991, Maradona thất bại trong một cuộc kiểm tra chất kích thích bất ngờ của FIGC, và nhận án treo giò 15 tháng.

Nhiều người cho rằng đó là cách người Italy trả thù Maradona vì đã loại họ khỏi World Cup. Chính Maradona cũng tin vào giả thuyết này: “Sau trận bán kết ấy, Chủ tịch FIGC Antonio Matarrese đã nhìn tôi với ánh mắt của một gã mafia. Ngay giây phút đó, tôi đã biết mình khó sống tiếp ở Italy”.

Sau này, Maradona không còn khoác áo Napoli nữa. Ông không hề biết rằng quả phạt đền thành công trong thất bại 4-1 trước Sampdoria là bàn thắng cuối cùng ghi cho Napoli. Maradona gọi đó là “bàn thắng buồn nhất cuộc đời”. Sau khi hết án phạt, Maradona rời Napoli để tới Sevilla. Nhưng CĐV Napoli không bao giờ quên ông, vì Maradona đã làm những điều chưa ai chứng kiến tại San Paolo và mang về những chức vô địch Serie A duy nhất trong lịch sử.

Năm 2000, Napoli treo vĩnh viễn chiếc áo số 10 của Maradona và đáng lẽ đã đặt tên ông cho sân đấu nếu luật pháp Italy không quy định chỉ được đặt tên sân theo người đã mất tối thiểu 10 năm. Maradona là chân sút số một lịch sử Napoli với 115 bàn, cho tới khi Marek Hamsik phá kỷ lục năm 2017.

Nhưng di sản của Maradona tại Naples không dừng lại ở những bàn thắng. Nhiều năm sau, ông nhìn lại: “Thứ quan trọng nhất tôi mang tới là niềm kiêu hãnh. Trước khi tôi đến, chẳng ai muốn tới Naples. Tôi đến với niềm tin rằng đó là một vịnh tuyệt đẹp ở Địa Trung Hải và chỉ vậy thôi. Nhưng tôi đã chinh phục tất cả bởi chẳng ngại đương đầu với ai. Vậy nên ngày nay, bất cứ người dân Naples nào cũng có thể khẳng định với bạn: ‘Những đội bóng vô địch ngày ấy không được dựng nên bởi những vị chủ tịch hay giám đốc. Chúng được tạo nên bởi một tay Maradona”.

Thịnh Joey (theo Time on the Ball)

=> Xem thêm: Tin Thể Thao 24/7


  Thông tin thêm  

Nhà cái V9bet tặng ngay 100.000 VND chơi đánh bài trực tuyến ăn tiền, xổ số, slot, đánh bài free khi bạn đăng ký tài khoản thành công. Thắng chắc cú 100% được phép rút tiền mặt về các tài khoản ngân hàng của bạn.

Link đăng ký V9bet nhận 100.000 VND free

   –     – 

About Author


v9bet