Kevin de Bruyne và gã trai nhiều lần bị chối bỏ

Tiền vệ của Man City chia sẻ trên The Player’s Tribune về những cơ duyên trong cuộc đời giúp anh có vị thế siêu sao hàng đầu thế giới hiện tại.

Là một người thật thà như đếm, hôm nay tôi sẽ kể bạn nghe một bí mật nhỏ. Trước khi đến Man City, tôi không hề biết Raheem Sterling là người thế nào. Đã bao giờ gặp đâu, nhưng qua những gì đọc được từ báo chí, thì có vẻ gã này hơi bị khó chơi.

Ừ, không hẳn là một người xấu đâu. Nhưng những tờ báo lá cải luôn khẳng định như đinh đóng cột là cậu ấy cực kỳ kiêu ngạo. Nói theo ngôn ngữ chợ búa, Raheem là một thằng khốn, đúng không?

Raheem và tôi có một sự kết nối mạnh mẽ, bởi vì chúng tôi gia nhập City gần như cùng lúc. Và báo chí viết nhiều thứ tiêu cực về chúng tôi. Họ bảo tôi là “hàng thải của Chelsea”. Họ bảo Raheem là gã phản bội Liverpool vì tiền. Họ bảo chúng tôi là những cầu thủ cá biệt.

Khi đọc những thứ như thế về mình, tôi tự nghĩ: Ơ, họ viết về mình đó hả? Tôi đâu có khó tính gì, nhưng sao người ta có thể viết những thứ bậy bạ như thế, dù họ thậm chí còn chưa từng gặp tôi? Nhưng thật sự khi đọc tin tức trên báo, ta sẽ bị nó ảnh hưởng đến sự nhận xét của mình.

Ở Man City, De Rruyne tìm thấy người bạn chí cốt Sterling. 

Ở Man City, De Bruyne như tìm thấy người bạn chí cốt Sterling. 

Rồi tôi cũng gặp Raheem ngoài đời thực. Chúng tôi nói chuyện một chút sau buổi tập. Và tôi nghĩ: Ơ, cha nội này dễ thương mà ? Sao báo chí viết kỳ vậy?

Thực sự, tôi không có nhiều bạn thân, cả trong lẫn ngoài nghề. Tôi không dễ mở lòng để nói chuyện với người khác. Nhưng càng lúc, tôi càng thân hơn với Raheem, bởi vì con trai của chúng tôi sàn sàn tuổi nhau, nên bọn nó rất thích chơi chung. Tôi dần hiểu Raheem hơn và nhận ra cậu ấy là một người rất thông minh và chân thực. Nghĩa là trái ngược hoàn toàn với những gì báo chí lá cải vẫn miêu tả.

Đây là sự thật 100%: Raheem là một trong những người dễ thương nhất và khiêm tốn nhất mà tôi từng gặp trong sự nghiệp.

Một lần nói chuyện, Raheem bảo: “Lúc chưa gặp, em nghĩ anh phải xa cách và bẽn lẽn lắm, nhưng không ngờ cũng vui tính đấy”.

“Anh hay mà cưng”

“Ờ, đúng thế thật”.

Rồi cậu ấy hỏi tôi: “Thế ban đầu anh nghĩ em thế nào?”

“Thế nào ấy hả? Anh nghĩ chú rất chảnh”.

“Trời đất”.

Đấy là một bài học tuyệt vời mà tôi rút ra. Cầu thủ rất khác với những gì bạn nghĩ, đặc biệt là khi bạn kết thân với họ.

Tôi cũng hiểu được vì sao Raheem nghĩ tôi là một người xa cách. Từ khi 16 tuổi, đã có một đám mây cứ lởn vởn trên đầu tôi. Đây không phải là một chuyện dễ dàng để chia sẻ, nhất là tôi chẳng mấy khi nói về chính mình. Tôi có thể nói về bóng đá hàng nhiều giờ, nhưng lại rất ngại chia sẻ về đời tư.

Đấy là bản chất của tôi, và tôi tin nhiều người cũng có cái tính này.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất trầm tính, lúc nào cũng xấu hổ. Tôi không chơi PlayStation, cũng không có nhiều bạn bè. Cách duy nhất để tôi bộc lộ bản thân chính là thông qua bóng đá. Vào sân thì tôi rất năng động, nhưng ngoài sân tôi là một người thực sự hướng nội. Tôi có thể ngồi sát bên mà không nói một lời nào với bạn. Nhưng trên sân cỏ, tôi biến thành một con người khác. Tôi biết người ta cười rất nhiều khi xem một đoạn clip mà trong đó, tôi thét lên với David Silva là: “Hãy để tôi nói”. Thế là đã hiền chán so với tôi hồi còn nhỏ.

Khi còn trẻ ấy mà, ta không đủ tinh tế để nhận ra người khác nghĩ gì. Và tôi đã phải trả giá cho bài học ấy.

Năm lên 14, tôi ra một quyết định làm thay đổi đời mình. Tôi đứng trước cơ hội vào học viện của CLB Genk, và thế là tôi quyết định chuyển từ Gent sang đấy. Dù CLB mới cách nhà tôi đến hai giờ đi xe, tôi vẫn muốn vào đấy.

De Bruyne xa nhà từ tấm bé, và hứng chịu cú sốc văn hóa ở môi trường mới. 

De Bruyne xa nhà từ tấm bé, và hứng chịu cú sốc văn hóa ở môi trường mới. 

Vấn đề là khi còn ở quê, tôi đã là một đứa nhút nhát rồi. Ở Genk, tôi lại là ma mới, nói giọng quê mùa, nên cảm giác càng cô đơn, lạc lõng. Tôi không biết thế nào là giao tiếp xã hội. Ngày duy nhất tôi được nghỉ tập là Chủ Nhật, hôm ấy tôi mới được về thăm nhà. Thế nên, hai năm đầu ở học viện của Genk thật sự là hai  năm cô đơn nhất mà tôi từng sống.

Có thể nhiều người nghĩ tôi bị điên, khi rời khỏi nhà ra sống một mình khi mới 14?

Câu trả lời là vì tôi quá yêu bóng đá, và quá muốn mình trở thành một cầu thủ giỏi. Hy sinh cách mấy tôi chịu cũng được. Chỉ cần chân được chạm vào quả bóng, tất cả những gì tôi phải chịu đựng bên ngoài sân cỏ đều tan biến hết. Đấy thực sự là một nỗi ám ảnh với tôi.

Hay đơn giản hơn, đấy là cuộc đời tôi.

Năm đầu tiên ở Genk, tôi phải ở nhà thuê. Phòng bé tẹo, chỉ có một giường ngủ, một bàn làm việc và một bồn rửa mặt. Năm tiếp theo, tôi được cho vào ở ké với một gia đình, cùng hai cầu thủ khác. Lúc này, tôi mới được sống một cuộc đời giống người thường hơn. Dẫu thế, tôi vẫn cảm thấy ổn khi được ở một mình. Một năm trôi qua, tôi học tốt và chơi bóng cũng tốt. Không vấn đề gì cả.

Cuối năm thứ 2, tôi thu dọn đồ đạc và chào tạm biệt gia đình đã cho tôi ở nhờ.

Họ nói: “Gặp con sau kỳ nghỉ hè nhé. Nghỉ ngơi vui vẻ”.

Tôi trở về nhà thăm bố mẹ, vừa bước qua cửa đã thấy mẹ bật khóc. Tôi giật mình: Có ai chết hay sao?

Tôi hỏi: “Chuyện gì vậy mẹ?”

Và mẹ tôi nói một câu mà tôi nhớ suốt đời.

“Họ không muốn con trở lại đó nữa”

“Sao vậy mẹ, họ còn vừa chúc con nghỉ hè vui vẻ mà”.

“Vì con là… chính con. Bởi vì con im lặng quá. Họ chẳng thể giao tiếp được gì với con cả. Họ nói con khó gần”.

Khó gần và trầm tính là những lý do khiến De Bruyne bị một gia đình nhận nuôi anh chối bỏ. 

Khó gần và trầm tính là những lý do khiến De Bruyne bị một gia đình nhận nuôi anh chối bỏ. 

Tôi thật sự bị sốc. Tôi nghĩ mỗi người đều có một cá tính chứ. Gia đình tôi chưa từng nói thẳng việc ấy với tôi. Tôi thích ở một mình trong phòng, tôi đâu thích làm phiền ai. Họ chào tôi như thể mọi thứ bình thường, rồi họ báo với CLB là đừng cho tôi trở lại nhà họ nữa.

Đấy thật sự là một cú sốc lớn trong đời tôi. Tôi đâu phải ngôi sao lớn hay tài năng triển vọng gì, nên CLB lập tức nghĩ tôi có vấn đề. Họ bảo sẽ không trả tiền thuê cho tôi ở ghép nữa. Nếu muốn tiếp tục tập luyện ở học viện thì quay về kiếp ở trọ, trong cái phòng bé xíu như trước kia.

Tôi vẫn nhớ cảnh mẹ mình ngồi khóc, tôi không biết làm gì vào lúc đó, ngoài việc ôm quả bóng vào người. Tôi bước ra ngoài cái hàng rào mà mình vẫn chơi hồi còn nhỏ xíu. Câu nói của mẹ ghim vào đầu tôi: “Vì con là… chính con”

Những lời ấy cứ lập đi lập lại trong đầu tôi.

Tôi đá quả bóng vào hàng rào trong nhiều giờ liền. Rồi đột nhiên tôi dừng lại và hét to lên: “Không cho ở nữa thì thôi. Hai tháng nữa ta sẽ lên đội một. Không bao giờ có chuyện ta thất bại về nhà. Không bao giờ”.

Tôi muốn mùa hè kết thúc thật sớm để trở lại Genk. Lúc ấy, tôi vừa được chuyển lên chơi cho đội hai. Tất nhiên tôi chưa là ai cả. Nhưng tôi đã tập luyện như một gã điên, như có lửa đốt trong người.

Tôi nhớ chính xác thời khắc mọi thứ thay đổi. Đấy là một đêm thứ Sáu, tôi được tung vào sân trong hiệp hai, và chơi như một gã điên.

Một bàn.

Họ không muốn con nữa.

Hai bàn.

Con quá im lặng.

Ba bàn.

Con khó gần quá.

Bốn bàn.

Họ không muốn con nữa.

Năm bàn.

Bởi vì con là chính con.

Tôi ghi năm bàn chỉ trong hiệp hai.

De Bruyne thăng tiến ngoạn mục trong màu áo Genk trước khi lọt vào mắt xanh của Chelsea. 

De Bruyne thăng tiến ngoạn mục trong màu áo Genk trước khi lọt vào mắt xanh của Chelsea. 

Sau trận đấu ấy, mọi người trong CLB thay đổi cách nhìn về tôi. Tôi được gọi lên đội một đúng hai tháng sau đó. Tôi thậm chí còn hoàn thành mục tiêu sớm vài ngày. Lúc này, tất nhiên CLB gọi lại cho gia đình tôi để thông báo sẽ tiếp tục trả tiền ở ghép cho tôi, với một gia đình khác.

Thật buồn cười khi nhìn thấy cách những người trong giới thay đổi thái độ khi bạn thể hiện tốt.

Rồi một ngày kia, hai vợ chồng cho tôi ở ghép ngày trước xuất hiện tại CLB. Người phụ nữ đến phân bua với tôi: thật ra mọi thứ chỉ là hiểu lầm. Tôi nhớ bà ấy bảo: “Hai bác muốn con trở lại. Không thì cuối tuần đến chơi với hai bác cũng được”.

Buồn cười chưa? Nhưng với tôi lúc đó chẳng có gì buồn cười cả. Họ đã làm tôi tổn thương, nên tôi bảo: “Không, các người ném tôi vào thùng rác, giờ thấy tôi chơi tốt lại muốn lôi ra à?”.

Cuối cùng, tôi đã từ chối. Nhưng tôi thầm cám ơn vì họ đã tiếp thêm cho tôi một nguồn năng lượng. Nhưng thật không may, đám mây kia vẫn tiếp tục đeo bám tôi. Khi đã là một cầu thủ trẻ của Genk, thậm chí khi đã ký hợp đồng với Chelsea, tôi vẫn đọc được những bài báo viết về tính cách khó gần của tôi. Và lần nào họ cũng mang câu chuyện hai vợ chồng kia ra kể lại.

Quả là thỉnh thoảng tôi có nổi nóng, đặc biệt là trên sân cỏ. Tôi hay kìm nén cảm xúc của mình đến khi mọi thứ vượt quá sự chịu đựng. Nhưng chỉ năm giây sau khi phát khùng, tôi bình tĩnh lại ngay. Tôi nghĩ người ta đã có chút hiểu lầm: tất cả những gì tôi từng làm trên sân cỏ cũng chỉ là vì tôi quá muốn thi đấu, và quá muốn chiến thắng.

Thời gian ở Chelsea, báo chí cũng viết rất nhiều về mối quan hệ giữa tôi với Jose Mourinho. Nhưng sự thật là tôi chỉ nói chuyện với ông ấy hai lần. Trong đầu ông ấy đã có ý định mang tôi đi cho mượn. Thế nên, năm 2012 tôi đến Werder Bremen. Đấy là một mùa giải tuyệt vời. Khi trở lại Chelsea, nhiều CLB Đức muốn có chữ ký của tôi. Jurgen Klopp rất muốn mang tôi đến Dortmund. Dortmund cũng chơi thứ bóng đá mà tôi thích. Tôi nghĩ Chelsea sẽ bán tôi rồi ấy chứ.

Nhưng rồi Mourinho nhắn tin: “Cậu phải ở lại, tôi muốn cậu là một phần của đội bóng”.

Nên tôi nghĩ: OK, ở lại thì ở lại.

De Bruyne chỉ có đúng hai lần nói chuyện với Mourinho ở Chelsea, trước khi bị HLV này bán khỏi CLB. 

De Bruyne chỉ có đúng hai lần nói chuyện với Mourinho ở Chelsea, trước khi bị HLV này bán khỏi CLB. 

Khi tôi cùng đội bóng đi tập huấn, bầu không khí rất lạc quan. Tôi chơi hai trong bốn trận đấu đầu mùa và nghĩ mọi thứ sẽ ổn. Nhưng sau trận thứ tư, tôi bị giam trên ghế dự bị và không có cơ hội nào để thể hiện nữa. Và tôi cũng không nhận được một lời giải thích nào.

Tất nhiên, tôi cũng phạm sai lầm. Tôi còn hơi ngây thơ để biết cách hành xử như một cầu thủ Ngoại hang Anh. Tôi để mình bị xuống tinh thần một cách dễ dàng và trong trận đấu với Swindon Town ở giải đấu Cup, tôi không có phong độ tốt. Thế là mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Tháng 12, Mourinho gọi tôi vào văn phòng và bảo: “Một kiến tạo. 0 bàn. 10 lần đoạt lại bóng”.

Tôi phải mất 1 phút mới hiểu ông ấy đang định làm gì.

Rồi ông ấy đọc thống kê của những tiền vệ tấn công khác: Willian, Oscar, Mata, Schurrle.

Cái gì mà 5 bàn, 10 kiến tạo, đại loại thế.

Rồi Mourinho chờ tôi nói gì đó, thế nên tôi nói: “Nhưng mấy người ấy được đá 15, 20 trận gì mà, tôi mới đá có ba trận, mọi thứ phải khác chứ?”.

Rồi câu chuyện chuyển sang chủ đề mang tôi cho mượn lần nữa. Lúc ấy, Mata cũng không được trọng dụng, nên Mourinho bảo: “Cậu biết đó, ngay cả khi Mata ra đi, thì cậu cũng chỉ chuyển từ lựa chọn thứ sáu lên thứ năm thôi”.

Tôi bèn nói thẳng với ông ấy: “CLB không còn muốn tôi nữa, mà tôi thì muốn chơi bóng. Tôi nghĩ ông nên bán tôi luôn”.

Tôi nghĩ Mourinho hơi thất vọng khi nghe thế, nhưng cũng nghĩ ông ấy nhìn thấy khát vọng được thi đấu của tôi. Cuối cùng, CLB bán tôi đi. Đấy là một món hời, vì giá cao gấp đôi giá khi họ mua tôi từ Bỉ. Tôi cũng vui, vì được trọng dụng ở Wolfsburg.

Mọi thứ thay đổi từ đấy. Không chỉ vì tôi được chơi bóng, mà còn bởi tôi đã gặp được người vợ tương lai của mình. Cô ấy đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi đã học cách thể hiện bản thân qua lời nói tốt hơn. Đây là một bí mật tôi cứ chần chừ không biết có nên kể ra hay không.

Tất cả khởi đầu với một dòng tweet. Lúc ấy tôi chỉ có vài nghìn người theo dõi thôi, vì còn đang đá cho Bremen theo diện cho mượn. Thế là tôi viết một tweet về trận đấu hay điều gì đó. Bỗng có một cô gái vào thả tim. Khi ấy, tôi hãy còn độc thân. Một người bạn tôi nhìn thấy và bảo: “Em này xinh lắm nha, mày nên inbox xem sao”.

Tôi chối ngay: “Thôi đi. Người ta không thích tôi đâu. Có inbox, em ấy cũng không trả lời đâu”.

Gặp gỡ và nên duyên với bà xã Michele Lacroix đánh đấu sự thay đổi quan trọng về tính cách của De Bruyne. 

Gặp gỡ và nên duyên với bà xã Michele Lacroix đánh đấu sự thay đổi quan trọng về tính cách của De Bruyne. 

Nó giật lấy điện thoại của tôi và thay tôi soạn tin, xong đưa tôi xem: “Đấy, viết thế, gửi luôn nhé”.

Vì một lý do gì đó, tôi bảo nó gửi đi.

Đấy bạn thấy không? Tôi khao khát trở thành một cầu thủ lớn, vậy mà không có gan để gửi tin nhắn cho một cô gái mà mình thích.

Nhưng phải cảm ơn thằng bạn chết tiệt, vì cô ấy đã hồi âm. Và chúng tôi đã nhắn tin cho nhau suốt trong vài tháng. Có người quen để nói chuyện qua lại ở một đất nước xa lạ cũng vui. Và càng thân, cô ấy càng thay đổi tôi nhiều hơn. Bây giờ nhìn lại, tôi phải thừa nhận là không biết cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu không có cô ấy.

Người ta thường gọi vợ và bạn gái cầu thủ là “WAGs”, tôi nghĩ đó là một sự sỉ nhục. Bởi vợ tôi là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Nàng hy sinh mọi thứ để dọn đến ở với tôi khi mới 19 tuổi, giúp tôi theo đuổi ước mơ của mình. Hành trình trở thành cầu thủ hàng đầu của tôi thực ra là hành trình của cả hai.  Cô ấy khuyến khích tôi ra khỏi cái vỏ sò của mình và thể hiện bản thân nhiều hơn.

Chúng tôi phát hiện cô ấy mang bầu đứa con đầu tiên vào mùa hè 2015. Man City, PSG và Bayern đều muốn có tôi. Đấy là một thời gian căng thẳng kinh khủng. Chúng tôi vừa mới xây dựng gia đình và không biết cuộc chuyển nhượng này sẽ đi về đâu.

Cá nhân tôi muốn đến Man City. Kompany nhắn tin rủ rê, kể tôi nghe về dự án tham vọng của City và bảo tôi sẽ thích. Tôi cũng có cảm giác tốt về CLB này. Nhưng tôi không muốn làm Wolfsburg phật ý, vì tôi đã có khoảng thời gian rất tuyệt vời ở đây. Nên tôi ngậm tăm và chờ đợi. Im lặng là nghề của chàng rồi còn gì.

Từng ngày cứ thế trôi qua. Sau ba tuần, người đại diện của tôi cứ liên tục báo động giả.

Cơn căng thẳng ấy ảnh hưởng tới vợ tôi. Một buổi sáng, chúng tôi thức dậy và cô ấy đổ bệnh. Hai đứa không biết làm gì, còn lo sảng không biết đứa nhỏ có sao không. Rồi cô ấy đau nặng, và còn chảy máu nữa. Hai đứa vội vàng phi vào bệnh viện, lòng cứ sợ sẽ mất đứa con. Đấy là thời khắc tồi tệ nhất đời tôi. Chúng tôi cứ ngồi đó, hoàn toàn bất lực. Mới phút trước, tôi còn đang nghĩ về cuộc chuyển nhượng. Vậy mà bây giờ thế giới như đảo lộn.

Ơn Chúa, cuối cùng con trai của chúng tôi vẫn ổn.

Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không có nó. Bóng đá rất có ý nghĩa với cuộc đời tôi, nhưng làm sao sánh được với vợ con.

Đấy là khoảnh khắc đổi đời thứ ba trong cuộc đời tôi, vì nó làm cho tôi nhận ra bóng đá không phải là chuyện sống chết. Suốt 23 năm cuộc đời, tôi từng nghĩ như thế. Nhưng khi gặp vợ, rồi gặp con mình, tôi đã suy nghĩ hoàn toàn khác. Rồi chúng tôi cũng chuyển sang Manchester. Và mọi thứ cất cánh.

Đặc biệt là khi Pep Guardiola xuất hiện ở mùa giải thứ hai.

Tôi và Pep có cùng cách suy nghĩ về bóng đá. Ông ấy thậm chí còn ám ảnh với bóng đá hơn cả tôi. Có cảm giác ông ấy lúc nào cũng stress. Cầu thủ stress một, ông ấy stress gấp đôi. Ông ấy không chỉ muốn thắng trận, ông ấy còn mưu cầu sự hoàn hảo.

Với Guardiola, De Bruyne tìm được một HLV cùng chí hướng và đặt niềm tin tuyệt đối vào anh - điều mà tiền vệ này không có thời còn ở Chelsea. 

Với Guardiola, De Bruyne tìm được một HLV cùng chí hướng và đặt niềm tin tuyệt đối vào anh – điều mà tiền vệ này không có thời còn ở Chelsea. 

Lần đầu gặp Pep, ông ấy bảo tôi ngồi xuống và nói: “Kevin, nghe này. Cậu sẽ là cầu thủ trong Top 5 những người giỏi nhất thế giới một cách dễ dàng”.

Tôi đã sốc khi nghe điều ấy. Nhưng Pep nói một cách rất tin tưởng, và điều ấy làm tôi rất xúc động. Và tôi chợt có một động lực phải chứng minh là ông ấy đã đúng.

Phần lớn thời gian, bóng đá là tiêu cực và sợ hãi. Nhưng với Pep, nó là một sự tích cực tột đỉnh. Ông ấy đặt ra những mục tiêu ngỡ như không tưởng về chiến thuật. Nhưng Pep quả thực là một bậc thầy chiến thuật. Người ngoài sẽ không biết ông ấy tự đặt ra những áp lực cho mình như thế nào.

Mùa này không hề dễ dàng với tôi chút nào. Những chấn thương và những trận đấu tôi bỏ lỡ khiến tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu. Ngồi xem đồng đội thi đấu là một sự tra tấn.

Vợ tôi hỏi tôi có cần phải đi khám bác sĩ không? Sau gần bảy năm ở cạnh nhau, đấy là lần đầu tiên nàng thấy tôi khóc. Ngay cả ở những lễ tang, tôi cũng không khóc. Nhưng đầu mùa này, tôi chấn thương đầu gối trong trận đấu với Fuham, bác sĩ bảo tôi sẽ phải chống nạng. Đấy là một cơn ác mộng, đến cả mặc quần lót, tôi cũng không tự mình làm được. Thời điểm xảy ra chấn thương cũng thật tồi tệ, vì vợ tôi chỉ vừa sinh đứa con trai thứ hai đúng một ngày trước đó.

Nàng vừa trở về từ bệnh viện khi nghe tôi thông báo tin dữ qua Facetime. Rồi tôi hỏi: “Con sao rồi em?”

“Ổn anh. Mà anh khóc đấy à?”

“Anh què rồi. Giờ em phải lo một lúc tới ba đứa con đấy”.

Nói xong, tôi òa khóc như một đứa trẻ, không cách gì dừng lại. Không biết đấy là cảm xúc vì đứa con thứ hai vừa chào đời, hay là sự đau khổ vì phải nghỉ nhiều trận đấu phía trước, hay là cả hai. Chỉ biết là trên Facetime, trước cái điện thoại chết tiệt ấy, tôi đã khóc thật thảm hại.

Vợ tôi không tin vào mắt mình, kiểu như: “Đám cưới mình anh không khóc, con chào đời anh không khóc, mà chấn thương anh lại khóc”.

Tôi là một hòn đá tảng, tôi không bộc lộ cảm xúc của mình. Nhưng lấy bóng đá ra khỏi cuộc sống của tôi, tôi chịu không nổi.

Cuối cùng, chiến dịch ở Man City không chỉ là chiến thắng. Nó còn là một lối chơi, một cách nghĩ, một triết lý. Đấy là lý do chúng tôi thức dậy mỗi buổi sáng, trong đầu chỉ có những chi tiết về công việc, chúng tôi cố đẩy mình đi tới giới hạn.

Chơi thứ bóng đá đơn giản là thứ khó khăn nhất trên đời. Nhưng khi quả bóng lăn liên tục mà không bị đối phương cắt được, đấy là cảm giác hạnh phúc nhất.

Khi chúng tôi chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình tại Man City, chỉ có một từ để mô tả: Thiền định!

Với tôi, đấy là trạng thái nhập thiền.

Tôi biết mình là một mẫu người hơi khác, chỉ thích thể hiện mình trên sân cỏ.

Đó là câu chuyện của tôi.

Cám ơn đã để tôi nói ra.

Cám ơn đã nghe tôi nói.

Hoài Thương (theo The Player’s Tribune)

=> Xem thêm: Tin Thể Thao 24/7


  Thông tin thêm  

Nhà cái V9bet tặng ngay 100.000 VND chơi đánh bài trực tuyến ăn tiền, xổ số, slot, đánh bài free khi bạn đăng ký tài khoản thành công. Thắng chắc cú 100% được phép rút tiền mặt về các tài khoản ngân hàng của bạn.

Link đăng ký V9bet nhận 100.000 VND free

   –     – 

About Author


v9bet