Derby xứ Nghệ và nỗi mong chờ 28 năm

Chứng kiến hàng xóm SLNA thi đấu đỉnh cao, CĐV Hà Tĩnh từng ước ao có một đội bóng chuyên nghiệp và cùng thi đấu ở giải đấu cao nhất Việt Nam.

Hà Tĩnh (áo đỏ) và SLNA (áo vàng) đá giao hữu trong ngày khai trương sân mới Hà Tĩnh hồi tháng 7/2019. Ảnh: Xuân Thủy

Hà Tĩnh (áo đỏ) và SLNA (áo vàng) đá giao hữu trong ngày khai trương sân mới Hà Tĩnh hồi tháng 7/2019. Ảnh: Xuân Thủy.

*SLNA – Hà Tĩnh: 17h Chủ nhật 12/7, trên VnExpress.

Năm 1999-2000, bóng đá trẻ Hà Tĩnh liên tiếp thành công khi lần lượt vô địch các giải U16 và U18 Quốc gia. Họ trình làng một ngôi sao về sau trở thành cặp bài trùng với Phạm Văn Quyến ở vòng chung kết U16 châu Á năm 2000 – tiền đạo Nguyễn Anh Cường. Song, đó cũng là những ánh hào quang cuối cùng của bóng đá Hà Tĩnh kể từ khi tách tỉnh Nghệ Tĩnh vào năm 1991.

Sông Lam Nghệ Tĩnh, đội bóng tiền thân của SLNA, thuộc sở hữu chung của tỉnh Nghệ Tĩnh được chuyển cho Nghệ An sau một năm kể từ khi chia tách. Từ đó trở đi, trong lúc đội bóng hàng xóm liên tục thành công với ba chức vô địch quốc gia, thậm chí quảng bá được quê hương ra nước ngoài khi tham gia các giải ở Cup châu Á, Hà Tĩnh vẫn lận đận ở giải hạng Nhì với nòng cốt là các cầu thủ trẻ thi đấu từ năm 1998 vẫn không thể lên chuyên. Nhiều CĐV Hà Tĩnh, vì ước mơ chứng kiến bóng đá đỉnh cao, đã gia nhập các hội CĐV SLNA ở khắp mọi miền đất nước.

Người Hà Tĩnh yêu bóng đá cuồng nhiệt. Trong các giải bóng đá phong trào từ xã đến huyện, giữa thời tiết oi bức của mùa hè như đổ lửa, hàng nghìn người vẫn đội nắng cổ vũ, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc. Thỉnh thoảng, đội trẻ SLNA sang thi đấu giao hữu với đội trẻ Hà Tĩnh, sân tập luôn đầy ắp khán giả. Họ bảo, chờ đợi trận derby đỉnh cao chắc xa vời nên xem đội trẻ đối đầu cũng hay, cũng là derby nhưng ở cấp độ thấp hơn.

Nhiều CĐV Hà Tĩnh (áo đỏ) đứng cổ vũ cùng CĐV SLNA trong trận SLNA - TP HCM hôm 23/6. Ảnh: Xuân Thủy

Nhiều CĐV Hà Tĩnh (áo đỏ) đứng cổ vũ cùng CĐV SLNA trong trận SLNA – TP HCM hôm 23/6. Ảnh: Xuân Thủy.

Thực tế, Hà Tĩnh đáng ra đã có đội bóng chuyên nghiệp sớm hơn, nếu không có những thay đổi bất ngờ từ thượng tầng. Năm 2010, tập đoàn Xuân Thành của ông Nguyễn Đức Thụy đầu tư nhiều dự án vào Hà Tĩnh, đã hợp tác với UBND tỉnh tài trợ cho đội bóng đang đá ở hạng Nhì, đổi tên thành CLB Xi Măng Xuân Thành Hà Tĩnh. Mục tiêu đặt ra mỗi năm thăng một hạng, và điểm cuối cùng là V-League. Song, bầu Thụy cùng nhiều người hâm mộ đã vỡ mộng. Mùa hạng Nhì năm đó, Hà Tĩnh thi đấu lận đận, không thể lên hạng Nhất dù được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Văn Sỹ, bên cạnh một ngôi sao từng được săn đón là Lê Quốc Vượng – người trở lại sau án treo giò của VFF từ vụ bán độ ở Bacolod, Seagames 23.

Bầu Thụy, với những toan tính cá nhân, nhận thấy Hà Tĩnh là mảnh đất tiềm năng có thể khai thác kinh tế, và bóng đá là cầu nối để ông tạo ra các chuỗi liên kết tìm những dự án. Cuối mùa 2010, CLB Hòa Phát V&V lên hạng Nhất 2011 – nhưng chưa sẵn sàng thi đấu đỉnh cao. Tháng 7 cùng năm, bầu Thụy lập tức đàm phán mua lại suất lên hạng của đội bóng này, “tặng” cho Hà Tĩnh và lấy tên gọi khác là GMIC Xuân Thành (tên một công ty bảo hiểm của tập đoàn Xuân Thành). Một kế hoạch bài bản khác được vạch ra – vẫn là một năm thăng một hạng rồi lên V-League. Những ngôi sao quê Hà Tĩnh như Nguyễn Anh Cường, Trương Quang Tân… được liên hệ để mời về. Lần đầu tiên, người hâm mộ thấy những cầu thủ ngoại đến thử việc trên sân Hà Tĩnh.

Mơ ước về việc tỉnh nhà có một đội bóng chuyên nghiệp chỉ kéo dài được ba tháng. Tháng 10/2010, bầu Thụy tuyên bố chuyển GMIC Xuân Thành vào TP HCM, đổi tên mới là CLB Sài Gòn Xuân Thành trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Có nhiều bàn luận về mối lương duyên dang dở giữa Hà Tĩnh và tập đoàn Xuân Thành, khi nhà tài trợ từng đổ lỗi do năm đó Hà Tĩnh trải qua lũ lụt lịch sử: sân vận động, công trình phụ trợ xuống cấp nên phải di cư đội bóng đi nơi mới. Nhưng có những ý kiến cho rằng, bầu Thụy đã hết duyên với những dự án, phi vụ làm ăn kinh tế ở Hà Tĩnh nên phải tìm miền đất khác.

Sau hai lần mừng hụt, CĐV Hà Tĩnh phải trở lại với thực tế rằng họ chưa đủ lực để làm bóng đá chuyên nghiệp. Họ quay lại với “người tình” SLNA để thỏa mãn đam mê. Mùa giải 2011, khi SLNA vô địch V-League với HLV Hữu Thắng, hàng nghìn người Hà Tĩnh đã vượt cầu Bến Thủy, sang chia vui cùng các chiến binh áo vàng. 37 và 38 là con số định danh để phân biệt người Nghệ An với Hà Tĩnh, song trên khán đài khi cổ vũ SLNA thi đấu, khoảng cách ấy không còn tồn tại. Khi được hỏi, tất cả cùng đồng thanh: chúng tôi là dân xứ Nghệ, cùng chung một niềm đam mê bóng đá.

Người hâm mộ tập trung tại nhà trung vệ Bùi Tiến Dũng tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cổ vũ U23 Việt Nam đấu U2 Uzbekistan tại chung kết U23 châu Á hồi tháng 1/2018. Ảnh: Đức Hùng

Người hâm mộ tập trung tại nhà trung vệ Bùi Tiến Dũng tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cổ vũ Việt Nam đấu Uzbekistan tại chung kết U23 châu Á hồi tháng 1/2018. Ảnh: Đức Hùng

Hiếm có một tỉnh nào, người hâm mộ yêu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cuồng nhiệt như người dân Nghệ Tĩnh. Từ năm 2018, khi đội tuyển U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích giành ngôi Á quân U23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), mỗi trận đấu có sự góp mặt của các ngôi sao như Công Phượng, Phan Văn Đức (Nghệ An) hay Bùi Tiến Dũng (Hà Tĩnh), hàng trăm người đã tập trung tại nhà các cầu thủ này để cổ vũ, đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng. Hay như giải bóng chuyền VTV Cup 2018 tại Hà Tĩnh, hàng nghìn người đến chật kín nhà thi đấu, nhiều người để mua được vé còn nghĩ ra cách “đặt gạch” để giữ chỗ do nhu cầu quá đông.

Nhận thấy bóng đá là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, tại một số cuộc họp, lãnh đạo Hà Tĩnh từng đưa ra phương án, xây dựng lộ trình để tỉnh có một đội bóng chuyên nghiệp. Tháng 10/2018, tròn tám năm sau ngày bầu Thụy mang đội bóng Xuân Thành Hà Tĩnh vào TP HCM, tin vui lần nữa đến với CĐV Hà Tĩnh, khi Hà Nội B – một đội bóng của bầu Hiển lên hạng Nhất được chuyển giao cho Hà Tĩnh, đổi tên thành CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Công ty cổ phần Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ đứng ra đảm nhiệm đội bóng.

Giấc mơ về một trận derby xứ Nghệ lần này có vẻ thực tế hơn, khi Hà Tĩnh cùng nhà tài trợ có những bước đi căn cơ. 50 tỷ đồng được rót để nâng cấp sân vận động cũ kỹ, rêu mốc, thảm cỏ cháy nắng… Hội CĐV Hà Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Máu bóng đá đã ăn sâu vào người, không quan trọng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là “con đẻ” hay “con ghẻ”, CĐV vẫn dành những tình cảm hết sức đặc biệt. Mùa giải hạng Nhất 2019, mỗi trận đấu trên sân nhà Hà Tĩnh, luôn có từ 5.000 đến 7.000 khán giả cổ vũ, một con số cao so với mặt bằng giải hạng Nhất, với một đội bóng không mang bản sắc quê hương.

22/9/2019 là một ngày lịch sử, khi người dân hai bên bờ Bến Thủy đã nhìn thấy được giấc mơ của trận derby xứ Nghệ. Chiều hôm ấy, Hà Tĩnh thắng Long An 2-1 để nâng cúp vô địch giải hạng Nhất trên sân nhà, giành quyền lên V-League 2020. Khi ấy, trên mạng xã hội hay các trang báo thể thao, đã bắt đầu đề cập đến trận đấu giữa Hà Tĩnh và SLNA ở V-League 2020. Nhiều khán giả Hà Tĩnh đã rơi nước mắt với thời khắc ấy, bởi cơn khát về sở hữu một “tình yêu” – đội bóng chuyên nghiệp thi đấu đỉnh cao đã được giải tỏa.

Derby xứ Nghệ giữa SLNA và Hà Tĩnh thuộc vòng 9 V-League đáng lẽ ra sẽ đến sớm hơn, vào đầu tháng 2 nếu Covid-19 không xảy ra, phải dời đến ngày 12/7. Theo thể thức thi đấu mới, nếu SLNA hoặc Hà Tĩnh cùng lọt vào top 8 hoặc thiếu may mắn cùng rơi về nhóm cuối thì mới có thể đối đầu trở lại. Còn khi mỗi đội ở một nhóm, thì họ phải chờ đến mùa sau (nếu một trong hai trụ hạng thành công) mới có thể tái ngộ. Gạt qua mọi tính toán ấy, từ đầu tháng 7, khán giả hai tỉnh đã sẵn sàng cho trận đấu này, hàng nghìn CĐV Hà Tĩnh đã mua vé, lên kế hoạch đổ bộ sang thành Vinh phủ đỏ sân nhà đối thủ ở phố Đào Tấn.

Gặp nhau trong bối cảnh cùng khó khăn, khi cả SLNA lẫn Hà Tĩnh đều nằm ở nhóm sau. SLNA, với 11 điểm qua 8 trận, đứng vị trí thứ 9; Hà Tĩnh đạt 7 điểm, đứng thứ 12. Ngoài tính chất derby lịch sử sau 28 năm, đây cũng là cuộc chiến mang ý nghĩa sinh tử trong cuộc đua vào top 8. Nếu một trong hai đội thua, thì nguy cơ chôn chân dưới bảng điểm càng hiển hiện. Ai thắng trong cặp này sẽ có cơ hội bứt lên khỏi vùng nguy hiểm.

Hàng nghìn CĐV tràn vào, khiến sân Hà Tĩnh bị vỡ ở trận đấu với Hà Nội. Ảnh: Đức Hùng.

Hàng nghìn CĐV tràn vào, khiến sân Hà Tĩnh “bị vỡ” ở trận đấu với Hà Nội. Ảnh: Đức Hùng.

Với một số thành viên trong Ban huấn luyện SLNA, đây không phải là trận derby lần đầu, vì trước đó khi đội bóng Quân khu 4 còn tồn tại, từng có những cuộc đấu máu lửa ngay giữa lòng thành Vinh. Song với các thành viên Hà Tĩnh, lần đầu bỡ ngỡ này sẽ có muôn vàn cảm xúc đan xen. Đây cũng là dịp để dàn cầu thủ trẻ như Phan Văn Đức, Đặng Văn Lắm, Bùi Đình Châu của Nghệ An so tài với những đồng nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết bên phía Hà Tĩnh như Tuấn Hải, Văn Nam, Trung Học.

Hà Tĩnh hiện tại, nếu đặt lên bàn cân với SLNA, sẽ thua xa về mặt bản sắc, truyền thống cũng như thành tích. Song, niềm đam mê của CĐV thì họ chẳng kém ai. Cho đến lúc này, một trong những điểm nhấn lớn nhất của mùa giải là sự kiện CĐV tràn vào quá đông, làm “vỡ sân” ở trận gặp Hà Nội tại vòng 4 hôm 12/6.

Số phận của các đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam sau khi chuyển giao thường đi theo chiều hướng xấu là giải thể, có thể kể đến những Sài Gòn Xuân Thành, hay Ninh Bình… và nhiều người đã đặt Hà Tĩnh trong nghi ngại đó, khi thời gian tới hợp đồng giữa tỉnh với những nhà tài trợ đáo hạn. Tuy nhiên, nhiều CĐV Hà Tĩnh không muốn mối tình này dang dở, họ đang từng bước xây dựng hướng cổ vũ mang bản sắc riêng khi tự viết ca khúc cho CĐV, đồng hành trên mọi nẻo đường khi đá xa nhà. Sâu xa hơn, ai cũng muốn nhà chức trách có lộ trình giữ CLB này, để không chỉ thỏa mãn đam mê là một trận derby với SLNA, mà còn vô vàn trận đấu khác.

Sài Gòn – Thanh Hoá: Đối đầu thầy cũ - 4

Đức Hùng